Tăng 10 – 12% lượng hàng hóa phục vụ dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, sức mua trên thị trường dự kiến sẽ tăng khoảng 10-12% so với cùng kỳ năm trước, tăng khoảng 15-20% so với các tháng thường trong năm. Các địa phương đang nỗ lực đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho dịp quan trọng này.  

Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết, nhất là các mặt hàng thiết yếu, giữ ổn định thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 08/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2018 và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

Theo đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn, tổng công ty và các đơn vị liên quan lên kế hoạch cụ thể và triển khai các hoạt động chuẩn bị hàng hóa, các chương trình phục vụ Tết, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ với giá bình ổn nhằm bảo đảm phục vụ nhân dân đón Tết vui vẻ, an toàn, tiết kiệm.

Điểm mới được phát huy trong công tác bình ổn thị trường vài năm gần đây là hầu hết các địa phương thực hiện Chương trình bình ổn thị trường theo hướng xã hội hóa, giảm thiểu sử dụng vốn ngân sách. Một số địa phương đã vận dụng linh hoạt nguồn vốn vay ưu đãi thực hiện chương trình Bình ổn thị trường không chỉ với hàng tiêu dùng trong dịp Tết mà còn với các hàng hóa vật tư nông nghiệp, thời gian cho vay tương đối dài để nâng cao hiệu quả bình ổn thị trường.

Theo báo cáo của các địa phương, tổng giá trị lượng hàng dự trữ phục vụ Tết của các doanh nghiệp ước tăng khoảng 20-25% so với các tháng thường trong năm; lượng hàng dự trữ của các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn tăng khoảng 10% so với năm trước.

Các mặt hàng dự trữ tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như: gạo, thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu... Năm nay, các doanh nghiệp tiếp tục chú trọng cải thiện mẫu mã, chất lượng, an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm hàng hóa phục vụ Tết. Hàng Việt Nam, nhất là bánh mứt kẹo, thực phẩm chế biến ngày càng chiếm tỉ trọng cao trong hàng hóa phục vụ Tết và chiếm 100% trong danh mục hàng bình ổn thị trường của các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn tại các địa phương.

Đơn cử, dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Sở Công Thương Hà Nội đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ với tổng giá trị đạt 28.500 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2018.

Cùng với việc chuẩn bị tốt nguồn hàng, Bộ Công Thương cùng với chính quyền các địa phương tổ chức tốt hệ thống phân phối để đưa hàng tết đến tay người tiêu dùng, đặc biệt là đưa hàng bình ổn về các khu vực nông thôn, miền núi để phục vụ bà con đón Tết Nguyên đán. Nhiều hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức các điểm bán hàng tết, các hội chợ, phiên chợ tết, kết hợp Chương trình bình ổn thị trường với các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, khu vực miền núi... đã và đang được tổ chức sôi động trong thời gian qua.

Cụ thể, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với doanh nghiệp tổ chức 350 chuyến bán hàng lưu động, 10 phiên chợ Việt tại các quận, huyện, thị xã, khu công nghiệp, khu chế xuất phục vụ nhu cầu của tất cả các đối tượng người dân và người lao động. TP. Đà Nẵng đã hỗ trợ kinh phí cho siêu thị Co.opmart Đà Nẵng tổ chức bán hàng phục vụ đồng bào miền núi tại huyện Hòa Vang. TP. Hồ Chí Minh xây dựng hơn 1.000 điểm bán hàng tại các khu vực ngoại thành, vùng ven...

Các mặt hàng trong các chuyến bán hàng lưu động, phiên chợ đưa hàng về nông thôn, miền núi chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu của người dân như: Lương thực, trứng, đương, dầu ăn, bột canh, nước mắm, mì chính, bánh, mứt, kẹo... 100% hàng hóa tại các chương trình này đều là hàng Việt, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá cả phải chăng. Với sự chuẩn bị như vậy, dịp Tết Kỷ Hợi 2019, hàng hóa sẽ đảm bảo được cung ứng đầy đủ, không sốt giá.

Bình luận của bạn