Tăng 16.000 đồng ngày chào sàn, cổ phiếu Việt Tiến 'cháy hàng'

Sáng 10/3, May Việt Tiến chính thức chào sàn UPCoM với giá tham chiếu 40.000 đồng. Với định giá 1.120 tỷ đồng, May Việt Tiến hiện là doanh nghiệp dệt may có quy mô lớn nhất sàn chứng khoán.

Những chỉ số tài chính đẹp và kỳ vọng dệt may hưởng lợi trong hội nhập đã đẩy giá cổ phiếu này tăng 16.000 đồng lên 56.000 đồng. Dù giá tăng cao song VGG vẫn trắng bên bán trong khi lượng đặt mua rất lớn. Đến 11 giờ, có hàng triệu cổ phiếu được nhà đầu tư đặt mua với giá 56.000 đồng.

Việt Tiến được xếp vào những doanh nghiệp may có doanh thu lớn nhất Việt Nam và tăng trưởng đều qua các năm. Năm 2015, công ty thu về hơn 6.400 tỷ đồng, lãi sau thuế 331 tỷ đồng. Trước đó một, Việt Tiến cũng đạt doanh thu 5.482 tỷ, lợi nhuận sau thuế 312 tỷ đồng.

Hiện Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đang nắm hơn 47,9% vốn tại đây. Cổ đông ngoại, tiêu biểu là hai tổ chức đến từ Hong Kong và Malaysia đang nắm 6,7 triệu cổ phần, tương đương 24% vốn điều lệ. Việt Tiến trả cổ tức thường niên bằng tiền mặt ở mức khá cao (30%). EPS 2015 đạt 9.218 đồng.

Công ty Chứng khoán Ngân hàng Vietcombank nhận định, trong năm 2016, May Việt Tiến sẽ không còn khoản nợ trái phiếu 140 tỷ đồng nên chi phí lãi vay tiết kiệm được sẽ bù đắp được phần tăng lương, bảo hiểm theo quy định của Nhà nước mà không ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh.

Năm 2016, VGG đặt mục tiêu doanh thu 6.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng. Cổ tức tối thiểu 20%. Tổng công ty hiện sở hữu 4 công ty con là May Thuận Tiến, May Tiến Thuận, Nam Thiên và Việt Tiến Meko.

Nói về triển vọng ngành nghề, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) nhận định Việt Tiến hoạt động chủ yếu trong dệt may và đây là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trong giai đoạn 2010–2014, kim ngạch xuất khẩu của ngành tăng mạnh với tốc độ 21,6%.

Sau khi Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) năm 2015, ngành dệt may có rất nhiều cơ hội phát triển, đặc biệt cơ hội xuất khẩu hàng hóa rất lớn khi hàng rào thuế nhập khẩu được xóa bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, TPP cũng mang đến thách thức về quy tắc xuất xứ khi yêu cầu chặt chẽ nguồn gốc sản phẩm, đòi hỏi các doanh nghiệp dệt may chú trọng nhiều hơn nữa trong khâu chủ động nguồn nguyên liệu.

Việt Tiến đang xuất khẩu sản phẩm sang 30 nước trên thế giới với các đối tác lớn như: Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc… Tuy vậy, các nguồn nguyên vật liệu chính vẫn chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc nên việc hưởng lợi từ TPP vẫn bỏ ngỏ bởi phải đợi nguồn nguyên liệu trong nước xem có đáp ứng được không.

Bình luận của bạn