Tăng trưởng công nghiệp đối mặt với thách thức mới
Sản xuất công nghiệp trong tháng 11/2021 tiếp tục khởi sắc khi các địa phương trên cả nước thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, diễn biến mới khó lường của dịch Covid-19 đang đe dọa đến chuỗi cung ứng sản xuất và nguồn cung lao động. Để giữ được đà tăng trưởng từ nay đến cuối năm, các biện pháp “can thiệp” kịp thời nhằm kiểm soát hiệu quả dịch bệnh từ phía Nhà nước trong lúc này là rất cấp thiết...
Sản xuất công nghiệp 11 tháng năm 2021 tăng 3,6% so với cùng kỳ.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11/2021 tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020.
CHÍNH SÁCH ĐÃ PHÁT HUY HIỆU QUẢ
Theo đánh giá của Bộ Công Thương và các Hiệp hội ngành hàng, nhìn chung, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong thời gian vừa qua đã phát huy hiệu quả rất lớn trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Về cơ bản, đến thời điểm hiện nay, Chính phủ đã kiểm soát tương đối hiệu quả tình hình diễn biến của dịch bệnh.
Đặc biệt, sau khi Chính phủ ban hành và triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021, nhiều tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước đã xây dựng và triển khai kế hoạch an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid -19 để từng bước phục hồi, phát triển kinh tế trong trạng thái mới.
Hoạt động sản xuất, nhất là tại các tỉnh, thành phố tập trung phần lớn các hoạt động sản xuất công nghiệp quan trọng của cả nước như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội... đã có những chuyển biến tích cực.
Tại hầu hết các địa phương, đặc biệt là tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, sản xuất đã khôi phục trở lại, các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất để kịp giao hàng theo các hợp đồng đã ký kết.
Tác động tích cực được thể hiện ở việc hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 11/2021 đã có khởi sắc khi chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,5% so với tháng trước.
Đặc biệt, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da – giày, điện tử… được các Hiệp hội dự báo sẽ có kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021 tăng khá cao so với năm 2020 khi các doanh nghiệp dần được tiếp cận trở lại với nhiều đơn hàng quốc tế lớn.
Trong kết quả chung của toàn ngành, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng ấn tượng nhất, là động lực tăng trưởng chính của toàn ngành công nghiệp và tiếp tục đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 11 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn tốc độ tăng 3% của cùng kỳ năm 2020).
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,8% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,4%), đóng góp 4,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,8%, đóng góp 0,3 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 6%, làm giảm 1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Những con số này đang phản ánh rõ hơn sự dịch chuyển cơ cấu tích cực, phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành công nghiệp là tăng tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng của ngành khai khoáng.
Không những vậy, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chứng tỏ sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi liên tục dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 11 tháng năm 2021, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 6,28 tỷ USD, chiếm 44,7% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 12,78 tỷ USD, chiếm 57,9% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm.
Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 1,24 tỷ USD, chiếm 28,4% giá trị góp vốn.
NGUY CƠ VẪN CÒN HIỆN HỮU
Theo dự báo của Bộ Công Thương, khả năng chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2021 tăng khoảng 4-5%, thấp hơn so với mục tiêu kế hoạch (tăng 8-9%) so với năm 2020.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến khó lường, những nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như nguồn cung lao động có thể trở lại với doanh nghiệp nếu Nhà nước không có các biện pháp kịp thời để tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố phía Nam.
Do vậy, các cấp, các ngành, các Hiệp hội ngành hàng cần tiếp tục vào cuộc nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nối lại nhanh chuỗi sản xuất, khôi phục nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và các quy định, hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Các bộ, ngành và địa phương cần phối hợp triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu quả quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 tại Nghị quyết số 128/NQ-CP và các văn bản hướng dẫn liên quan.
Ngoài ra, tăng tính chủ động của doanh nghiệp trong công tác phòng dịch, xem xét cho phép doanh nghiệp nhập khẩu bộ xét nghiệm và các vật tư, thiết bị khác để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong nội bộ doanh nghiệp.
Nhằm giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp trong thời kỳ dịch bệnh, và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, Chính phủ cần tiếp tục bảo đảm triển khai hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhằm giúp các doanh nghiệp từng bước khôi phục các nguồn lực về tài chính và lao động phục vụ cho sản xuất.
Về phía Bộ Công Thương, trước mắt cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án công nghiệp quan trọng; hỗ trợ tối đa các nhà máy duy trì và khôi phục sản xuất để giữ đơn hàng, chuỗi cung ứng.
Trong dài hạn, tiếp tục xây dựng chính sách thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài các dự án công nghiệp quy mô lớn, có gắn với chuyển giao và làm chủ công nghệ; tăng cường hợp tác quốc tế, xúc tiến thị trường ngoài nước để thúc đẩy xuất khẩu các ngành hàng chủ lực; liên kết doanh nghiệp trong nước và các chuỗi sản xuất toàn cầu, từ đó thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển bền vững.