Thành phố Ninh Bình: Tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp
Thành phố Ninh Bình hiện là đô thị loại II, nằm ở vị trí giao điểm của Quốc lộ 1A với Quốc lộ 10 và Quốc lộ 38B đi qua các tỉnh vùng duyên hải Bắc Bộ, thuận lợi trong thu hút các nhà đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Những năm gần đây sản xuất công nghiệp trở thành động lực chính để phát triển kinh tế - xã hội. Các ngành dịch vụ trong đó du lịch phát triển mạnh mẽ từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Ninh Bình có gần 1.300 cơ sở, doanh nghiệp đang hoạt động trong các lĩnh vực như: xây dựng, cơ khí, mộc dân dụng, chế biến nông sản... Để thúc đẩy Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), thời gian qua Thành phố đã quan tâm tạo điều kiện môi trường thuận lợi, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng và đảm bảo tốt an ninh trật tự trên địa bàn.
Doanh thu sản xuất công nghiệp của các cơ sở trên địa bàn Thành phố Ninh Bình năm 2022 ước đạt 28.562 tỷ đồng, tăng 23,5% so với năm 2021. Hoạt động thương mại và dịch vụ đã được phục hồi tích cực và đạt mức tăng trưởng cao so với năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 22.623 tỷ đồng, tăng 39,6%. Kết quả thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố năm 2022 ước đạt 1656,4 tỷ đồng, bằng 130% dự toán tỉnh giao, bằng 118% so với năm 2021.
Nằm ở vị trí khá thuận lợi về giao thông thuỷ, sắt, bộ. Thành phố Ninh Bình nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế và thu hút đầu tư phát triển công nghiệp - TTCN. Ông Bùi Khắc Nhân - Chánh Văn phòng UBND thành phố Ninh Bình cho biết: Hiện nay trên địa bàn Thành phố có 01 khu công nghiệp (KCN) và 02 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích khoảng 168,735 ha.
Trong đó KCN Phúc Sơn do Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Khu công nghiệp Phúc Lộc làm Chủ đầu tư có quy mô 142 ha, với tổng mức đầu tư 859,74 tỷ đồng; là khu công nghiệp đa ngành, được tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, đáp ứng được những yêu cầu, tiêu chuẩn của các nhà đầu tư, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đây là khu công nghiệp sạch, thu hút các ngành nghề như sản xuất camera, mô đun và linh kiện điện tử; sản xuất cửa kính an toàn, cửa nhựa lõi thép; chế tạo cơ khí, kim loại; sản xuất giầy dép cao cấp…
CCN Cầu Yên: Diện tích 13,735 ha do Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển khu công nghiệp quốc tế làm chủ đầu tư; diện tích dự án đầu tư được phê duyệt 12,35ha, trong đó: diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê là 10,5686ha (đã cho thuê 10,5686ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 100%; tổng vốn đầu tư hạ tầng 73,194 tỷ đồng). CCN đã đầu tư xong cơ sở hạ tầng gồm hệ thống giao thông nội bộ, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống xử lý nước thải tập trung.
CCN Ninh Phong: Diện tích 13ha đã thu hút được 11 doanh nghiệp và 47 hộ sản xuất với diện tích đất cho thuê 6,036 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 100%; tổng vốn đầu tư 163,45 tỷ đồng, trong đó: 09 dự án đã đi vào hoạt động với diện tích 5,382 ha, tổng vốn đầu tư 116,21 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 592 lao động. Và 01 dự án đang triển khai thực hiện với diện tích 0,304 ha, tổng vốn đầu tư 17,243 tỷ đồng.
Thành phố Ninh Bình xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, là tập trung phát triển kinh tế, thu hút đầu tư vào khu, CCN, tạo điều kiện phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch.
Thành phố tập trung triển khai thực hiện và phối hợp với các ban, ngành của tỉnh trong công tác giải phóng mặt bằng, giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện các chính sách về ưu đãi đầu tư cũng như đảm bảo các điều kiện về an ninh trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường... Đồng thời, tích cực phối hợp với Sở kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến thương mại và Phát triển cụm công nghiệp Ninh Bình triển khai có hiệu quả các đề án công nghiệp hỗ trợ, khuyến công, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư trong đó tập trung hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết, xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp để thu hút nhà đầu tư.
Thành phố Ninh Bình đang tập trung tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh và các dự án phát triển CN-TTCN trên địa bàn.Có chính sách hỗ trợ để khuyến khích các doanh nghiệp, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, một số ngành nghề truyền thống mà Thành phố có ưu thế.
Mục tiêu đề ra của Thành phố Ninh Bình trong năm 2023 là giá trị sản xuất CN-TTCN tăng thêm 10%, phấn đấu hoàn thành và vượt kế hoạch việc thu ngân sách trên địa bàn./.