Thị trường bán lẻ tiếp tục hút nhà đầu tư ngoại
Các kênh bán lẻ hiện đại của Việt Nam hiện mới chiếm khoảng 25% thị phần, trong khi các doanh nghiệp (DN) nước ngoài ở phân khúc này đang không ngừng gia tăng. Các tập đoàn bán lẻ lớn thế giới đã, đang và sẽ có mặt tại Việt Nam không ngừng công bố chiến lược gia tăng mạnh mẽ, mở rộng đầu tư vào lĩnh vực này.
Mảnh đất màu mỡ cho các DN
Theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO thì kể từ tháng 1/2015, Việt Nam chính thức cho phép thành lập các công ty bán lẻ 100% vốn đầu tư nước ngoài. Thêm vào đó, việc Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức đi vào hoạt động kể từ 2016 sẽ cho phép các dòng tài nguyên, hàng hóa, vốn, nhân lực… di chuyển tự do và thuận lợi trong khối. Chưa kể tới việc Hiệp định TPP sẽ được ký kết trong năm 2016 với hơn 10.000 loại hàng hóa trong 12 nước thành viên sẽ được loại bỏ hoàn toàn thuế quan. Điều này gây áp lực cho doanh nghiệp Việt Nam, hàng hóa sản xuất trong nước, buộc phải nâng cao sức cạnh tranh và phân phối.
Hiện các kênh bán lẻ hiện đại của Việt Nam chỉ chiếm 25% thị phần, thấp hơn các nước trong khu vực như Philippines 33%, Thái Lan 34%, Trung Quốc 51%, Malaysia 60% và Singapore lên đến 90%. Dự kiến đến năm 2020 Việt Nam sẽ nâng tỷ lệ kênh bán lẻ hiện đại lên mức 45%.
Trao đổi với Phóng viên Báo Công thương, bà Usa Wijarurn - Tham tán thương mại, Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam không giấu giếm, các doanh nghiệp Thái Lan đang xem thị trường bán lẻ Việt Nam là “mảnh đất màu mỡ” để đầu tư.
Mới đây, tập đoàn bán lẻ của Thái Lan Berli Jucker (BJC- đơn vị đã mua lại hệ thống Metro Cash&Carry cuối năm 2015), tuyên bố dự định sẽ mua tiếp bộ phận kinh doanh của tập đoàn bán lẻ Pháp Groupe Casino tại Việt Nam - đang sở hữu hệ thống hơn 30 siêu thị BigC trên cả nước. Điều này cho thấy, sự kỳ vọng và tham vọng "cắm rễ" sâu của "Người Thái" vào thị trường bán lẻ của Việt Nam.
Các DN bán lẻ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam hiện chiếm khoảng hơn 40% trong số hơn 800 siêu thị tại Việt Nam. Theo Bộ Công Thương, đến năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 1200-1300 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, tổng mức bán lẻ sẽ tương đương khoảng 25-30 tỷ USD. Đây là "miếng mồi" khá béo bở, đặc biệt là thị hiếu khách hàng và yêu cầu về dịch vụ cũng như chất lượng sản phẩm đang ở mức thấp như Việt Nam, thì việc sở hữu thị phần bán lẻ còn là cơ hội tốt cho các DN nước ngoài đưa sản phẩm từ nhà sản xuất tới tay người tiêu dùng.
Cơ hội đón đầu tăng trưởng
Điểm mặt hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, bán lẻ của Việt Nam, đáng kể có: Co-opmart với 77 siêu thị, Fivimart với 20 siêu thị tại Hà Nội, Citimart có 27 siêu thị chủ yếu tại TP.HCM, hệ thống Hapro với hơn 20 cửa hàng, Vinmart “sinh sau đẻ muộn” nhưng lại có tốc độ phát triển nhanh chóng, nhất là sau thương vụ mua lại Ocean Retail của Tập đoàn Đại Dương, đã nâng số siêu thị của Vinmart lên con số 19 và 56 cửa hàng tiện ích trên khắp cả nước…
Trong khi đó, ở phân khúc các DN nước ngoài đang hoạt động thành công tại Việt Nam có thể kể đến hệ thống siêu thị bài bản và khá hút khách như Big C, Lotte Mart, Metro Cash&Carry, Aeon… và chuỗi các cửa hàng tiện lợi như Circle K của Mỹ với hơn 100 cửa hàng, Shop&Go của Singapore với hơn 120 cửa hàng, B’s mart của Thái Lan với khoảng 100 cửa hàng….
Ông Tadahiko Ishikawa, Giám đốc Siêu thị Aeon Long Biên - Đại diện công ty Aeon Việt Nam chi nhánh Hà Nội - cho biết, nhu cầu về hàng hóa bán lẻ của Việt Nam chắc chắn sẽ còn gia tăng trong thời gian tới.
Theo dự báo của Economist Intelligence Unit, châu Á sẽ là hạt nhân thúc đẩy tăng trưởng thị trường bán lẻ toàn cầu. Vào năm 2016 thị trường này sẽ đạt 11.800 tỷ USD, với mức tăng trưởng 6,8%. Điều này cho thấy, ngành bán lẻ Việt Nam rất lạc quan nhưng cũng đầy thách thức khi thị phần đang đe dọa rơi vào tay các đối thủ châu Á. Một loạt các thương hiệu lớn đang đặt mục tiêu “bành trướng” tại Việt Nam tới 2020 như: Lotte đặt mục tiêu phát triển 60 siêu thị trên cả nước, Aeon sẽ mở 20 TTTM tại Việt Nam, hoặc Wal Mart của Mỹ hay Auchan của Pháp cũng tuyên bố sẽ tham gia vào thị trường.
Cộng đồng kinh tế AEC và các hiệp định thương mại thế hệ mới mà Việt Nam đã và sắp tham gia tới đây, đòi hỏi các nhà sản xuất của Việt Nam phải cạnh tranh với nước ngoài một cách bình đẳng, ngang với các sản phẩm ngoại nhập.