Thị trường mặt hàng thực phẩm khô chờ Tết

Để chuẩn bị các mặt hàng thực phẩm khô bán vào dịp Tết Nguyên đán, nhiều tiểu thương đang thu mua hàng để dự trữ nhưng cũng có tiểu thương lại dè chừng chưa dám mua hàng với số lượng lớn vì lo lắng một số mặt hàng sẽ ế ẩm, không thu hồi lại vốn.

Tiểu thương bắt đầu "ôm" hàng

Khảo sát của phóng viên tại một số chợ lớn trên địa bàn Hà Nội như: Chợ Xuân Đỉnh, chợ Đồng Xuân... giá một số các mặt hàng thực phẩm khô chưa có biến động như: Măng khô 120.000-350.000 đồng/kg, tùy loại; Mộc nhĩ 150.000 đồng/kg; Nấm hương 320.000 đồng/kg; Miến dong từ 40.000- 70.000 đồng/kg; hạt sen 150.000-170.000 đồng/kg…

Thời điểm này nhiều tiểu thương tại các chợ Hà Nội đã chuẩn bị gom các mặt hàng khô chuẩn bị Tết Nguyên đán. Chị Nguyễn Thị Lan, một tiểu thương ở chợ Xuân Đỉnh (Hà Nội) cho biết: “Hiện tại tôi cũng đã đặt mua một số mặt hàng như: Măng khô, miến dong, mộc nhĩ, nấm hương… để chuẩn bị bán vào dịp Tết Nguyên đán. Nhiều tiểu thương thường mua hàng Tết sớm để tránh cận Tết Nguyên đán hàng được đẩy giá lên cao, lợi nhuận sẽ không được nhiều”, chị Lan cho biết.

Tại các chợ ngoại thành Hà Nội, nhiều tiểu thương đã chuẩn bị sẵn sàng các mặt hàng khô để bán Tết. Chị Chu Thị Phương, một tiểu thương ở chợ Vân Đình (Ứng Hòa- Hà Nội) cho biết: “Ở các vùng quê, người dân vẫn thường có thói quen sắm Tết sớm hơn ở thành phố, nhất là các mặt hàng thực phẩm khô. Do đó, thời điểm này, chúng tôi cũng thu mua các mặt hàng thực phẩm khô sớm để phục vụ người tiêu dùng”, chị Phương cho biết.

Bên cạnh đó, một số tiểu thương vẫn “cầm chừng” chưa gom hàng để bán Tết, do lo lắng không bán được nhiều hàng để thu hồi vốn. Anh Nguyễn Văn Quang, một tiểu thương ở chợ Xuân La (Hà Nội) chia sẻ: “Hiện nhiều người có xu hướng đi du lịch trong thời gian nghỉ Tết nên cũng không có nhu cầu mua thực phẩm để dự trữ trong nhà. Hơn nữa, nhu cầu sắm Tết của người dân cũng đã chững lại, nên tôi cũng không “ôm” nhiều hàng vì khó thu hồi vốn sau Tết”.

Trong khu bán đồ khô của chợ Đồng Xuân vẫn thưa thớt khách đến hỏi mua buôn. Theo nhiều tiểu thương ở chợ Đồng Xuân, hiện tại khách hàng vẫn có tâm lý dè dặt và cầm chừng chưa dám nhập hàng nhiều.

Người tiêu dùng lo tăng giá

Để đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ dịp Tết, Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành Kế hoạch phục vụ Tết dương lịch và Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018 trên địa bàn thành phố. Theo đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, thương mại trên địa bàn thành phố căn cứ vào kết quả thực hiện Tết năm 2017 và dự báo mức tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng từ 10% – 15% so với các tháng trong năm để tổ chức bán ra thị trường đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của người dân. Từ đó, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt hàng hoặc tình trạng tồn kho hàng hóa sau Tết.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, dự kiến, số lượng một số mặt hàng chuẩn bị để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết 2018 (tính cho 2 tháng từ 1/1/2018 – 28/2/2018) gồm: gạo 193.600 tấn, thịt lợn 50.000 tấn, thịt gà 14.000 tấn, thịt bò 13.800 tấn, trứng gia cầm 200 triệu quả, 220.000 tấn rau củ, thực phẩm chế biến 12.000 tấn, thủy hải sản 12.000 tấn, nông lâm sản khô khoảng 3.500 tấn, 3.000 tấn bánh mứt kẹo, 200 triệu lít rượu, bia, nước giải khát; 120.000 m3 xăng dầu và các mặt hàng về may mặc, điện máy.

Nhiều doanh nghiệp đã cam kết thực hiện chương trình bình ổn giá và dự trữ hàng trước Tết, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, sốt giá vào dịp Tết. Tuy nhiên, đã thành quy luật, cứ giáp Tết là các mặt hàng đều rục rịch tăng giá, hàng khô cũng không ngoại lệ. Chị Trần Thị Nhung (Đống Đa- Hà Nội) chia sẻ: “Giáp tết Nguyên đán các mặt hàng ở chợ đều tăng từ 10%-15% so với những ngày bình thường, nên tôi thường mua các thực phẩm khô như: Mộc nhĩ, miến hương, măng khô sớm hơn so với tết Nguyên đán 1 tháng để tiết kiệm chi phí”.

Trước lo ngại thực phẩm khô sẽ tăng giá vào dịp giáp tết Nguyên đán của người tiêu dùng, chị Nguyễn Thị Lan cho biết: “Thời điểm gần Tết, nhu cầu thực phẩm khô của người dân tăng cao nên nhiều tiểu thương ở các chợ cũng sẽ đẩy giá lên cao hơn so với những ngày bình thường”.

Bình luận của bạn