Thịt lợn sạch của Việt Nam có cơ hội xuất khẩu sang Nhật, Hàn Quốc
Để phát triển bền vững, cần phải tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi, làm theo mô hình liên kết chuỗi, để sản xuất sạch, hướng đến xuất khẩu.
Mặc dù có tiềm năng phát triển và xuất khẩu, tuy nhiên, sản phẩm thịt lợn Việt Nam vẫn "chật vật" với bài toán đầu ra. Trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp liên kết tạo chuỗi sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường tiềm năng như Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Thông tin này được đưa ra tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu thịt lợn Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hôm nay (20/10), tại Hà Nội.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Gabor Fluit, Tổng giám đốc Tập đoàn De Heus Châu Á cho rằng, Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc bởi 3 quốc gia này gần Việt Nam và nhu cầu đang ở top nhiều nhất trên thế giới. Tuy nhiên, để xuất khẩu sang thị trường khó tính, Việt Nam cần đẩy mạnh xúc tiến, ký kết các Hiệp định song phương, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh.
Một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn cũng cho biết mục tiêu đưa sản phẩm thịt lợn Việt Nam ra thị trường có tiêu chuẩn cao.
Ông Vũ Mạnh Hùng- Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn, tại Bình Phước cho biết, hiện có doanh nghiệp Hà Lan sang tìm hiểu chuỗi quy trình liên kết và bàn thảo vấn đề nhập khẩu. Dự kiến, mỗi năm sẽ xuất khẩu 10.000 tấn thịt lợn sang thị trường này.
Hiện tại Việt Nam chưa có vùng an toàn dịch bệnh, mà thị trường nước ngoài yêu cầu rất chặt về điều này. Do đó cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để giúp cho doanh nghiệp có vùng an toàn dịch bệnh, ông Hùng lưu ý.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, mỗi năm, ngành nông nghiệp xuất khẩu đạt kim ngạch trên 30 tỷ USD với 10 ngành hàng chủ lực, nhưng sản phẩm ngành chăn nuôi lại chưa góp mặt trong kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu thịt lợn Việt Nam từ nhiều năm nay chủ yếu xuất sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Dự kiến năm 2017, Việt Nam xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc khoảng 2,4 triệu con (giảm 80% so với năm 2016). Thậm chí nếu tình hình không khả quan, con số xuất khẩu trên sẽ giảm sút chỉ xuất khẩu đạt 1,17 triệu con.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ ra nghịch lý, đó là ngành chăn nuôi lợn tại Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất, nhưng lại đầy rủi ro. Điển hình như tháng 4 vừa qua, nhiều hộ chăn nuôi điêu đứng vì không tìm được đầu ra, nhiều đợt “giải cứu” lợn nhằm hỗ trợ người sản xuất, nhưng đây không phải là biện pháp bền vững. Thực tế ngành chăn nuôi lợn mới làm tốt khâu sản xuất, còn chế biến và tổ chức thị trường quá yếu. Trong số hơn 4 triệu tấn thịt lợn hơi mỗi năm chỉ xuất khẩu được 20.000 tấn lợn sữa.
Để ngành này phát triển bền vững, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cần phải tái cơ cấu lại, tổ chức lại ngành hàng làm theo mô hình liên kết chuỗi, để sản xuất sạch, hướng đến xuất khẩu.
"Vừa qua doanh nghiệp đã xuất khẩu thành công thịt gà sang thị trường Nhật Bản. Tới đây sẽ là thịt lợn. Sản xuất phải theo mô hình chuỗi. Ở quy mô lớn, các doanh nghiệp có sức sản xuất lớn, tập trung cao ở đây để xuất khẩu. Ở quy mô nhỏ hơn như các trang trại cũng nên theo hướng đó. Tiềm năng thị trường là có, điều kiện tổ chức sản xuất thì Việt Nam có thể làm được. Vấn đề quan trọng bây giờ là hành động. Cụ thể Bộ chỉ đạo về vùng an toàn dịch bệnh, các thủ tục quy trình xuất khẩu cũng phải làm đồng bộ, quyết liệt," ông Cường nhấn mạnh.
Dịp này, Câu lạc bộ Nông nghiệp Công nghệ cao, Tập đoàn De Heus, Công ty Cổ phần và Đầu tư Thương mại Biển Đông cùng với Công ty máy móc Daewon đã ký kết Thoả thuận thực hiện liên kết chuỗi sản xuất thịt lợn sạch để xuất khẩu. Sự tham gia ký kết này mở ra một cơ hội sản xuất theo chuỗi giá trị cung ứng thịt lợn sạch, an toàn hướng đến xuất khẩu./.