Thứ trưởng Công Thương: Đừng tin quảng cáo đa cấp một vốn 400 lời

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương đã có trao đổi với báo chí về hoạt động kinh doanh đa cấp bên lề cuộc làm việc với Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) chiều 6/4.

- Những câu chuyện về kinh doanh đa cấp bất chính như Liên kết Việt đã xảy ra và trách nhiệm của cơ quan quản lý, của những Sở Công Thương không hoàn thành nhiệm vụ như thế nào, thưa ông?

- Quan điểm của Bộ Công Thương là không bao giờ từ chối trách nhiệm của mình. Nếu cơ quan quản lý chứng minh tôi đã làm hết sức với khả năng của mình nhưng vẫn xảy ra chuyện nọ chuyện kia thì không bị xử lý. Trừ khi họ không làm và để xảy ra hậu quả thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật

Chúng tôi cũng cần sự vào cuộc của các Sở, ban ngành địa phương. Buổi làm việc với Ban chỉ đạo 389 là một trong những hoạt động hạn chế tình trạng như trên. Ngoài ra vẫn còn nhiều công ty bán hàng đa cấp hoạt động chân chính.

- Tại sao Bộ không công bố khi thanh tra và xử lý, thu hồi giấy phép của công ty đa cấp?

- Để thu hồi giấy chứng nhận đăng ký bán hàng đa cấp phải làm đúng Nghị định 42. Chính phủ hiện quy định quản lý bán hàng đa cấp không phải do riêng bộ Công Thương mà còn UBND các tỉnh. Đăng ký chất lượng một đằng bán một nẻo không phải hiện tượng của riêng bán hàng đa cấp. Cục Quản lý cạnh tranh chỉ hiểu ở góc độ họ kinh doanh đúng quy định không. Do đó chúng tôi phải làm việc với Ban chỉ đạo 389 để tìm hiểu về chất lượng hàng hóa.

Nói một cách sòng phẳng, có những người hiểu biết mà vẫn tham gia bán hàng đa cấp. Do đó không thể nói là họ bị lừa được. Trong hợp đồng nói rõ các điều kiện khi tham gia bán hàng. Với những người hiểu biết, đọc Nghị định 42 và đọc các điều khoản hợp đồng thì không thể nói bị lừa được.

Xin phép đừng cho rằng tôi coi thường nỗi đau của người bán hàng đa cấp, nhưng khi đã đặt bút ký vào một văn bản thì phải hiểu về điều đó.

- Pháp luật cũng quy định các công ty không được trả thưởng một cách quá cao nhưng tại sao vẫn xảy ra tình trạng này, liệu có nguyên nhân nào từ những kẽ hở trong quy định hiện nay?

- Hành lang pháp lý của Việt Nam cũng như các nước. Mình còn yêu cầu cao hơn như sự quản lý của Sở khi mở rộng đa cấp đến tỉnh nào đó. Thậm chí mở hội thảo cũng có kiểm tra xem quảng cáo có đúng không. Tuy nhiên, ở nước ngoài họ cảnh giác hơn với những lời quảng cáo một vốn 400 lời. Đến nay tôi vẫn không hiểu sao bà con cô bác lại dễ tin đến vậy. Từ nay, nếu có những lời quảng cáo như vậy thì nên nghĩ rằng đó là một biến tướng của bán hàng đa cấp.

- Bán hàng đa cấp phát triển nhưng rõ ràng chân rết quản lý hoạt động này lại chưa đủ. Ông nghĩ sao?

- Rõ ràng không thể kiểm soát được hết, nhưng người tham gia hệ thống bán hàng đa cấp nên đọc Nghị định 42. Khi đặt bút ký vào hợp đồng thì không thể không hiểu về nó. Tôi sẽ không trả hoa hồng cho anh nếu anh không lôi kéo được người tham gia. Đó là hoạt động cấm. Nếu người đó ngồi tại nhà bạn để chào mời thì chúng tôi không thể kiểm tra hết được. Vì vậy chúng tôi kêu gọi sự tham gia của những cá nhân tố cáo hành vi bất chính.

Các công ty bán hàng đa cấp thường hướng đến những cách lôi kéo như thu nhập cao. Hoạt động tuyên truyền của Sở phải đi vào những khía cạnh đó, rất cụ thể thì người dân mới tránh được. Đó là những biện pháp đã, đang và sẽ làm. Tuy nhiên như tôi đã nói, chúng tôi cần những khiếu nại cụ thể để có thể xử lý các doanh nghiệp.

- Kết quả thanh tra 7 doanh nghiệp đa cấp như thế nào, thưa ông?

- Khoảng tháng 5 mới hoàn thiện đợt thanh tra. Tôi cho rằng một Nhà nước suốt ngày đi thanh tra thì không phải là cách làm tốt. Nhiệm vụ chính là phải xây dựng khuôn khổ pháp lý. Bên Cục Quản lý Cạnh tranh chỉ có 4 người phụ trách bán hàng đa cấp nên chúng tôi rất cần sự phối hợp của các cá nhân tố cáo.

- Liệu cơ quan quản lý có quá trông chờ vào khiếu nại của người tiêu dùng?

- Tôi không có ý đó. Chúng tôi có tiến hành nhiều cuộc kiểm tra nhưng chủ yếu kiểm tra chỉ trên giấy tờ, khó phát hiện sai phạm. Tuy nhiên khi có khiếu nại thì việc xử lý nhanh hơn nhiều.

- Nhiều sản phẩm bán hàng đa cấp đội giá cao, bịp bợm người tiêu dùng, gây khó khăn cho công tác quản lý thì phải quy trách nhiệm như thế nào?

- Giá cao hay thấp hoàn toàn là giao dịch dân sự, cơ quan quản lý không can thiệp được. Ví dụ iPhone giá thành chỉ 200 USD nhưng bán ra đắt gấp vài lần. Chúng ta không thể quy điều đó là bịp bợm. Còn nếu sản phẩm đó quảng cáo có sâm nhung thì mới là lừa đảo. Mà hiện tôi chưa nhận được phản ánh nào như vậy. Cáo buộc đó phải có bằng chứng.

- Liệu có hàng rào để tránh thả gà ra đuổi?

- Chúng tôi sẽ cố gắng đi tìm nguyên nhân tại sao nhưng không đi theo cách không quản được thì cấm. Vì rõ ràng trên thế giới vẫn tồn tại và nhiều doanh nghiệp vẫn phát triển được. Chúng tôi sẽ xem lại khuôn khổ pháp lý và tìm hiểu thêm ở các quốc gia khác. Nếu có thể cải thiện được thì tốt. Phương thức quản lý cũng phải thay đổi và có sự tham gia của người dân, báo chí. Những điều đó nhằm hoàn thiện khuôn khổ, sự phối hợp ngày càng tốt hơn, làm sạch thị trường chỉ có công ty bán hàng đa cấp chân chính.

- Thứ trưởng nói gì về việc từng có công ty bán hàng đa cấp đã bị rút giấy phép nhưng lại mở công ty mới?

- Nghị định 42 quy định rõ cá nhân đã tham gia vào bộ máy lãnh đạo công ty bị thu giây phép sẽ không được tham gia lập công ty mới.

Bình luận của bạn