Thương hiệu Việt - Làm thật, ăn thật
Hết 2 tháng đầu năm 2016, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Việt Nam đã xuất khẩu xấp xỉ 1 triệu tấn gạo, trị giá 427 triệu USD, tăng 105% về lượng, 92,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Song, đằng sau tín hiệu khả quan đó là vẫn hiện hữu sự trăn trở về vị thế của mặt hàng xuất khẩu chủ lực này: Giá thấp và... vô danh.
Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc cho hay, năm 2015, gạo Việt Nam chiếm trên 50% tổng lượng gạo nhập khẩu của Trung Quốc, nhưng tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ gạo trên đất nước hơn 1 tỷ dân không thể tìm ra gạo mang thương hiệu Việt Nam.
Đến nay, dù đã là một cường quốc xuất khẩu gạo, nhưng gạo chất lượng cao, giá trị cao, vẫn chỉ chiếm một lượng nhỏ trong tổng lượng gạo xuất khẩu và Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chủ yếu gạo trung bình và thấp. Để hạt gạo Việt Nam đến được các thị trường cao cấp khác như Hoa Kỳ, EU vô cùng khó. Gần đây, đã có một số lô gạo xuất khẩu sang Mỹ đã bị trả về do không đạt yêu cầu- một trong nhiều ví dụ thực tế đáng suy nghĩ.
Đó không chỉ là thực tế buồn với hạt gạo Việt Nam. Chè, cà phê, hạt tiêu... là những mặt hàng nông sản xuất khẩu lớn nhưng vị thế cũng tương tự. Điển hình: Có tới 50% cà phê Capuchino có xuất xứ Việt Nam nhưng không bao giờ có nhãn hiệu Việt Nam. Chè nguyên liệu Việt Nam xuất khẩu rất lớn nhưng mất tăm trên thị trường. Hạt tiêu Việt Nam chẳng tỏa hương thơm trên bàn ăn người nước ngoài... Nguyên nhân rất đơn giản: Xuất nguyên liệu thô, xuất qua trung gian.
Và, câu hỏi “làm gì để hàng Việt Nam có chỗ đứng vững chắc trên thị trường nước ngoài?” luôn chỉ là trăn trở và... trăn trở, tốn bao thời gian, trí lực bàn thảo, tranh luận để rồi vẫn... nan giải.
Hội nhập ngày càng sâu rộng, trong xu thế tất yếu đó, việc xây dựng thương hiệu hàng xuất khẩu có thế mạnh không thể chỉ là “hô khẩu hiệu”. Nhiều ý kiến cho rằng, để có những thương hiệu mạnh cần có sự hỗ trợ của Chính phủ, hiệp hội vào cuộc, tham tán thương mại, thương vụ giúp sức... Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, cuối cùng, người “làm thật, ăn thật” chẳng ai khác ngoài doanh nghiệp.
Đề án Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Song, như chia sẻ của Tham tán thương mại Việt Nam tại Hoa kỳ, nếu doanh nghiệp không chủ động “làm bài tập về nhà”- tức là nghiên cứu thị trường, nâng cao chất lượng hàng hóa, xây dựng và quảng bá thương hiệu - thì thật khó nói tới hai chữ “hiệu quả”.