Thương mại điện tử: Cơ hội cho doanh nghiệp chuyển phát

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam, sự phát triển mạnh mẽ của mua sắm online, kênh bán hàng trực tuyến đang mở ra cơ hội cũng như đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp (DN) chuyển phát - phải nỗ lực để có thể theo kịp sự phát triển của TMĐT.

Nỗ lực đón đầu cơ hội

Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục TMĐT và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) khẳng định, một số DN chuyển phát đã tăng cường đầu tư đón đầu để tận dụng những tiềm năng lớn từ thị trường TMĐT. Với 35-40% dân số sử dụng internet hàng ngày, mua sắm trực tuyến đang dần trở thành xu hướng tất yếu, tạo cơ hội cho các DN TMĐT và nhà chuyển phát phát triển mạnh mẽ. 

Theo đó, các dịch vụ liên quan như lưu kho, đóng gói, chuyển phát, thanh toán, nhận hàng trả lại… cơ bản gắn với việc hoàn tất hợp đồng trực tuyến và gọi là dịch vụ hoàn tất đơn hàng. Do đó, mối quan hệ chặt chẽ giữa các nhà bán lẻ trực tuyến với các nhà cung cấp dịch vụ hoàn tất đơn hàng sẽ có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của TMĐT trên thế giới cũng như ở Việt Nam trong những năm tới.

Bà Hà Thị Hòa, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chuyển phát nhanh Bưu điện - đơn vị thành viên của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, công ty đã đầu tư mở rộng thị trường chuyển phát bằng việc mở văn phòng, trung tâm khai thác có diện tích lớn, trang bị nhiều dây chuyền và thiết bị hiện đại nhất, cùng với các trạm trung chuyển tại các thành phố lớn và các phương tiện vận tải hiện đại. “Khoản đầu tư này kỳ vọng sẽ giúp công ty chuyển hàng nhanh hơn để gia tăng thị phần. Mỗi năm, công ty đã chi từ 3-5% doanh thu để đầu tư vào công nghệ, nhằm giảm tối đa thời gian và chi phí vận chuyển đơn hàng”, bà Hòa nhấn mạnh.

Nâng cao năng lực chuyển phát

Bà Vũ Thị Thu Thủy, Quản lý cấp cao của Vụ Bưu chính - Bộ Thông tin Truyền thông chia sẻ: “Nhìn vào thực tế, dù con số DN được cấp phép kinh doanh dịch vụ bưu chính đã lên tới hàng trăm nhưng hiệu quả mang lại rất thấp. Lý do là có rất nhiều DN hiện nay hoạt động không đúng mục đích…. Ngoài ra, chất lượng chuyển phát chưa cao cũng là một yếu tố quan trọng khiến cho giá mua sắm trực tuyến không rẻ hơn đáng kể so với mua sắm truyền thống”. Để nâng cao năng lực chuyển phát, các dịch vụ chuyển phát truyền thống phải có những bước chuyển biến để phù hợp với tình hình mới. Ông Lê Quốc Anh - Tổng giám đốc Công ty CP Chuyển phát nhanh Bưu điện lưu ý, cần bổ sung những tiện ích cho TMĐT với đặc thù ở Việt Nam hiện nay như hệ thống kho hàng, hậu cần cho TMĐT, và tích hợp những hệ thống về thanh toán giúp cho luồng thông tin dịch chuyển giữa nhà cung cấp dịch vụ TMĐT với khách hàng và đơn vị chuyển phát được cập nhập ở trạng thái tức thời, online.

Ngoài ra, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà bán hàng trực tuyến và công ty cung cấp dịch vụ chuyển phát để thúc đẩy dịch vụ theo yêu cầu cụ thể của khách hàng, tận dụng tốt các cơ hội từ thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ chuyển phát, tiến tới hoàn thiện hơn dịch vụ hoàn tất đơn hàng.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội TMĐT Việt Nam: Các dịch vụ chuyển phát, hoàn tất đơn hàng phải có sự chuyển biến, đó là đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ thông tin, người bán và người cung cấp đơn hàng phải vô cùng tin cậy, đem lai sự an toàn, thuận tiện cho tất cả các đối tượng liên quan.

 
Bình luận của bạn