Thương mại điện tử: Ưu tiên phát triển ứng dụng tiên tiến
Tốc độ tăng trưởng cao
Theo Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), TMĐT B2C (doanh nghiệp và khách hàng) có tốc độ tăng trưởng khoảng 30%/năm, đạt 8,06 tỷ USD vào năm 2018, chiếm 4,2% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Cũng trong năm qua, số người tham gia mua sắm trực tuyến đạt khoảng 39,9 triệu người.
Ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số - dẫn báo cáo mới nhất của Google và Temasek cho thấy, GMV (tổng giá trị giao dịch) của nền kinh tế internet Đông Nam Á (bao gồm các lĩnh vực: Du lịch trực tuyến, TMĐT, truyền thông trực tuyến, gọi xe trực tuyến) đạt 72 tỷ USD trong năm 2018, tăng 37% so với năm 2017. Trong đó, giá trị giao dịch của thị trường Việt Nam đạt 9 tỷ USD và là quốc gia có tỷ lệ phần trăm nền kinh tế internet trên tổng thu nhập quốc dân (GDP) cao nhất khu vực Đông Nam Á với mức 4% trên tổng GDP.
Tập trung phát triển mạnh dịch vụ logistics chặng cuối
Thị trường TMĐT Việt Nam cũng được mở rộng và đổi mới. Các chuỗi cung ứng truyền thống với sự hỗ trợ của số hóa và công nghệ thông tin đã trở thành chuỗi cung ứng thông minh, đem lại hiệu quả cho nền kinh tế số nói chung cũng như thương mại nói riêng.
Tuy nhiên, tại thời điểm này, ông Đặng Hoàng Hải cũng thẳng thắn thừa nhận hạ tầng cho kinh tế số, như hạ tầng thanh toán điện tử, phân phối điện tử, nhân lực TMĐT và công nghệ thông tin, an toàn an ninh thông tin còn bộc lộ nhiều hạn chế. "Không những thế, một bộ phận doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm cả doanh nghiệp TMĐT còn chưa ý thức được hoặc chưa quan tâm thích đáng đến sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ hiện đại"- ông Đặng Hoàng Hải chỉ rõ.
Phát triển theo chiều sâu
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã và đang triển khai các kế hoạch tổng thể về phát triển TMĐT cho từng giai đoạn 5 năm (hiện nay là Kế hoạch tổng thể cho giai đoạn 5 năm lần thứ ba (2016-2020) theo Quyết định số 1563/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), cùng với đó là các đề án thuộc Chương trình phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2014-2020 (ban hành tại Quyết định 689/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).
Trên cơ sở những thành tựu đạt được trong các giai đoạn trước và triển vọng phát triển của lĩnh vực TMĐT trong thời gian tới, ông Đặng Hoàng Hải cho biết, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ tiếp tục ban hành Chương trình tổng thể phát triển TMĐT quốc gia cho giai đoạn tiếp theo (giai đoạn 2021-2025), trong đó, chú trọng đẩy mạnh đầu tư công nghệ để phát triển TMĐT theo chiều sâu, khuyến khích các doanh nghiệp TMĐT tiên phong tập trung phát triển những ứng dụng tiên tiến trên nền tảng công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Từ đó, nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của thị trường TMĐT Việt Nam, coi đây là một động lực phát triển của kinh tế số trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về TMĐT. Cụ thể, rà soát Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về TMĐT để bổ sung quy định về những mô hình kinh doanh mới trên môi trường trực tuyến; nghiên cứu sửa đổi các quy định về quản lý hoạt động TMĐT theo hướng tăng cường vai trò và trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ nền tảng cho TMĐT; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực TMĐT để tăng mức răn đe với các hành vi buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong TMĐT.
Theo Cục TMĐT và Kinh tế số, từ nay đến năm 2025, sẽ tập trung xây dựng hạ tầng logistics đồng bộ, liên thông nhằm tăng tính kết nối giữa các khâu của chuỗi cung ứng quốc gia. Trong đó, đặc biệt lưu ý các chính sách hỗ trợ nhằm phát triển mạnh dịch vụ logistics chặng cuối.