Thủy sản Việt tìm hướng chinh phục… 'sân nhà'
5,91 tỷ USD là kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong 9 tháng đầu năm nay của Việt Nam, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2016. Mặt hàng chủ lực làm nên điểm sáng của xuất khẩu thủy sản là tôm, một số loại hải sản khác và đặc biệt là cá tra.
Tuy nhiên, vang danh ở nước ngoài bao nhiêu nhưng cá tra nói riêng và thủy sản xuất khẩu nói chung của Việt Nam lại "kín tiếng" ở trong nước bấy nhiêu. Không ít doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thủy sản mải mê chinh phục thị trường nước ngoài mà quên đi thị trường trong nước- đầy dự địa tiêu thụ sản phẩm. Bởi thế, quay trở lại thị trường nội địa để bám rễ thật sâu và giúp DNthủy sản đứng bằng "hai chân" là mục tiêu mà ngành nông nghiệp hướng tới.
Lần đầu tiên, một hội chợ chuyên ngành hàng thủy sản với tên gọi "Cá tra và các sản phẩm thủy sản Việt Nam" đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức tại Hà Nội.
Sự kiện này được xác định không chỉ nhằm mục đích quảng bá hình ảnh, thương hiệu, mà còn xúc tiến tiêu thụ cá tra và một số sản phẩm thủy sản khác tại thị trường trong nước nói chung, thị trường phía Bắc nói riêng. Hơn 40 DN, cơ sở sản xuất, chế biến tham gia hội chợ, trong đó, có nhiều DN hàng đầu về sản xuất, xuất khẩu thủy sản, không chỉ mang đến cho người tiêu dùng Thủ đô sản phẩm cá tra, tôm, cá ngừ mà thông qua hội chợ này, có cái nhìn trực diện, cụ thể hơn về nhu cầu tiêu thụ thủy sản trong nước để có chiến lược kinh doanh cụ thể.
Thực tế, nhiều năm qua, cá tra, tôm và các sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đã khẳng định chất lượng ở thị trường quốc tế thì chắc chắn không khó để phát triển ở thị trường trong nước, nơi Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" ngày càng phát huy hiệu quả, đi vào đời sống xã hội. Bên cạnh đó, đầu tư cho phát triển ở thị trường nội địa cũng sẽ giúp DN ổn định sản xuất và người nuôi cá có lãi. Đặc biệt, DN sẽ không phải lo khi thị trường nhập khẩu "hắt hơi" thì mình lại bị "sổ mũi".