Tiềm năng đang mở xuất khẩu rau, quả

3,16 tỷ USD là kim ngạch dự kiến mặt hàng rau, quả xuất khẩu sẽ mang về cho Việt Nam trong năm 2017, vượt xa con số 3 tỷ USD đề ra hồi đầu năm, trở thành mặt hàng có tốc độ tăng trưởng lớn nhất trong nhóm hàng nông thủy sản.

Nhiều mặt hàng thâm nhập các nước khó tính

Những ngày qua thông tin trái xoài tươi của Việt Nam được phép vào thị trường Hoa Kỳ đã thu hút nhiều sự quan tâm. Cụ thể, theo công bố của cơ quan kiểm dịch sức khỏe động thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, giấy phép cho trái xoài tươi của Việt Nam được nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ sẽ có hiệu lực từ ngày 29-12. Trái xoài tươi Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ phải được kiểm soát một cách có hệ thống, tuân thủ các điều kiện về nhà vườn và cơ sở đóng gói, xử lý chiếu xạ và kiểm dịch tại cửa khẩu nhập. Trước xoài, trái vú sữa cũng đã chính thức được vào thị trường khó tính này. 

Từ đầu năm đến nay xuất khẩu rau quả liên tiếp lập kỷ lục về tốc độ tăng trưởng và khai phá những thị trường mới, khó tính. Tính đến hết tháng 11 kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 3,15 tỷ USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm nay ngoài Hoa Kỳ với 2 mặt hàng là vú sữa và xoài, thanh long Việt Nam cũng được đưa vào thị trường Australia hồi tháng 10, đến nay thị trường này đã nhập gần 80 tấn. Tháng 11 vừa qua chanh leo tươi cũng lần đầu tiên được qua thị trường Pháp. Hay lá tía tô của Việt Nam được xuất đi Nhật Bản với giá 500-700 đồng/lá. Những nông sản Việt Nam khi sang những thị trường khó tính đều có giá bán rất tốt, như xoài cát chu bán tại Nhật Bản giá khoảng 100.000 đồng/trái, thanh long ruột trắng khoảng 70.000 đồng/trái. 

Tăng tốc nhanh chóng trong vài năm trở lại đây, dự báo những năm tới xuất khẩu rau, quả Việt Nam tiếp tục đạt những kỷ lục mới bởi nhu cầu nhập khẩu của thế giới cho mặt hàng này rất lớn, trong khi lượng cung ứng của Việt Nam còn quá nhỏ. Cụ thể, tại cuộc hội thảo mới đây, ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), đánh giá: “Với giá trị thị trường nhập khẩu rau quả toàn thế giới vượt mức 200 tỷ USD/năm kể từ năm 2011, giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam hiện mới chiếm chưa đến 1% thị phần, là rất nhỏ và chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, dù ngành sản xuất quả Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh mẽ thời gian qua”. 

Tăng chuỗi liên kết

Kim ngạch xuất khẩu rau, quả năm nay ghi nhận những kỷ lục mới và có mặt ở nhiều thị trường lớn, song thị trường lớn nhất vẫn là Trung Quốc với 76,5% thị phần. Bởi lẽ thị trường Trung Quốc dễ dãi về tiêu chuẩn, nông dân không phải lo các chuẩn như VietGap, GlobalGap… hay các tiêu chuẩn khắt khe khác. Xuất hàng qua Trung Quốc được lấy tiền “tươi”, không phải đợi chờ lâu như khi làm cho các DN để xuất qua các thị trường khó tính. Nhưng cũng vì dễ dãi thị trường rộng lớn này lại rất bấp bênh. Điều này còn khiến nhiều DN dở khóc dở cười khi tìm kiếm những nguồn hàng đảm bảo chất lượng để cung cấp cho các đối tác khó tính. 

Ông Ưng Thế Lãm, Giám đốc Công ty Toàn Cầu, cho biết khi làm việc với các đối tác nước ngoài, DN Việt Nam giới thiệu nhiều loại nông sản, phía đối tác rất thích nhưng khi họ yêu cầu số lượng lớn DN rất khó kiếm sản phẩm đồng đều chất lượng, theo quy chuẩn. “Chuỗi liên kết trong nông nghiệp nói chung hiện nay rất quan trọng nhưng đang bị buông lỏng. Ở một góc trong chuỗi này, chúng tôi cần có những đơn vị thống kê sản lượng, mùa vụ các mặt hàng nông sản trong năm để DN khi làm việc với đối tác có những thông tin cơ bản” - ông Lãm nói và cho biết làm việc với đối tác nước ngoài khó tính phải dựa trên hợp đồng cụ thể, nên khi hình thành chuỗi liên kết chặt chẽ sẽ hỗ trợ DN rất nhiều trong xuất khẩu. 

Theo TS. Nguyễn Hữu Đạt, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kết quả xuất khẩu rau quả ngày càng tạo được khởi sắc. Dù trị giá kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường mới chưa nhiều, nhưng việc đặt chân được vào các quốc gia khó tính, có yêu cầu rất cao về chất lượng đã giúp tăng uy tín cho mặt hàng rau quả Việt Nam. Tuy nhiên, sản xuất rau quả thời gian tới phải có sự cải thiện tốt hơn nữa về chất lượng sản phẩm, nghĩa là phải đồng nhất, ổn định, có quanh năm, truy nguyên được nguồn gốc và đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Giải quyết được điều này, ngành rau quả Việt Nam sẽ có tên tuổi, thương hiệu, phát triển bền vững.

Hiện nay việc liên kết giữa vùng trồng, chế biến, làm thị trường yếu, đã khiến nhiều sản phẩm nông nghiệp Việt Nam dù có tiềm năng nhưng khó xuất khẩu, hoặc xuất khẩu được nhưng thiếu bền vững.

Vì thế, thời gian tới cần đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi, đầu tư nông nghiệp công nghệ cao trên cơ sở DN làm nòng cốt cùng với hợp tác xã, nông dân, tập trung yếu tố đầu vào áp dụng khoa học công nghệ từ khâu chọn giống, tổ chức sản xuất đến chế biến và xuất khẩu. Phải khắc phục cho được điểm yếu ở khâu chế biến nông sản, trong đó có rau quả, hiện phần lớn vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, giá trị thấp, vận chuyển khó khăn, tốn kém; công nghệ chế biến lạc hậu, chưa theo kịp thị trường…

Nhận diện được khó khăn, thuận lợi sẽ là cơ sở quan trọng để ngành hàng rau, quả phát triển bền vững, trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực và hướng tới mục tiêu đạt kim ngạch 10 tỷ USD vào năm 2020 như dự báo.

 Thống kê gần đây cho thấy tổng giá trị xuất khẩu rau, hoa, quả đã lớn hơn dầu lửa. Cụ thể xuất khẩu dầu thô năm 2016 đạt 2,4 tỷ USD, trong khi đó xuất khẩu gạo đạt 2,15 tỷ USD, xuất khẩu cà phê 3,3 tỷ USD, xuất khẩu thủy sản 7 tỷ USD xuất khẩu quả, rau, hoa đạt 2,45 tỷ USD. Nhìn lại lịch sử, năm 2005 xuất khẩu dầu lửa là 7,3 tỷ USD, gấp 31 lần xuất khẩu rau quả lúc đó là 235 triệu USD. Do vậy phải đưa nhóm mặt hàng này thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực, góp phần giảm nghèo nông thôn. Bởi dự báo đến năm 2022, giá trị xuất khẩu của quả, rau, hoa sẽ lên đến 9-10 tỷ USD, tức hơn cả giá trị xuất khẩu dầu lửa lúc cao nhất. 


 

Bình luận của bạn