Tiềm năng phát triển cây bơ ở Việt Nam
Trái bơ rất tiềm năng trên thế giới nhưng chỉ phù hợp với một số vùng địa lý nhất định. Trung Quốc, Thái Lan là đối thủ lớn của nông sản Việt Nam nhưng không trồng được bơ.
Như vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng tiềm năng thị trường của loại quả này. Một số vùng ở Tây Nguyên hiện đã phát triển cây bơ.
Đắk Nông hiện là một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng bơ lớn của cả nước, với diện tích gần 2.600 ha. Trong đó, 700 ha trồng bơ chuyên canh, còn lại là trồng xen canh với năng suất bình quân 10-15 tấn/ha.
Năm 2017, tại tỉnh Đắk Lắk, diện tích trồng bơ đã tăng thêm gần 2.000ha. Cây bơ đã có một vị thế mới trên vùng đất Tây Nguyên khi thị trường dần ưa chuộng hơn thứ trái cây nhiều dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe này. Đặc biệt là khi cà phê hay hồ tiêu rớt giá, bơ đang được nhiều nông dân kỳ vọng trở thành loại cây trồng thay thế nhiều tiềm năng. Cách đây 10 năm, ở Tây Nguyên, bơ chỉ là một loại cây trồng xen canh. Không ai nghĩ có thể làm giàu từ loại quả này.
Mặc dù cơ hội rất rộng mở nhưng người trồng bơ phải sản xuất sạch, an toàn và đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, giá cả cũng phải cạnh tranh.
Ví như để đưa trái bơ vào siêu thị, người nông dân phải sản xuất đúng quy trình, có chứng nhận tiêu chuẩn ít nhất là VietGAP, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và đặc biệt phải kiểm soát chặt chẽ ngay từ khâu chọn giống bơ. Mặc dù người trồng sẽ vất vả hơn nhưng chắc chắn hiệu quả kinh tế sẽ tốt hơn so với việc bán trôi nổi cho thương lái như hiện nay.