Tìm giải pháp đưa hàng hoá của đồng bào dân tộc thiểu số vào hệ thống phân phối hiện đại

Thời gian qua, các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đem lại kết quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống người dân tại địa phương. Hiện đã có nhiều sản phẩm của khu vực này đã được đưa vào hệ thống phân phối hiện đại. 

Nhiều chính sách hỗ trợ hàng hoá của bà con vào hệ thống phân phối hiện đại

Với vai trò của Bộ quản lý nhà nước về tiêu thụ hàng hoá, nhiều năm qua, Bộ Công Thương đã chủ động xây dựng hệ thống văn bản, chính sách nhằm hỗ trợ tiêu thụ hàng hoá cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Đồng thời tổ chức các hoạt động nhằm hình thành chuỗi cung ứng, kích thích sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư, thúc đẩy sản xuất tiêu thụ sản phẩm.

Tại Toạ đàm "Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào hệ thống phân phối hiện đại" do Tạp chí Công Thương tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương - Bộ Công Thương cho biết, trong khoảng 10 năm trở lại đây, các quyết định của Chính phủ như Quyết định 1719 về Chương trình phát triển thương mại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình phát triển miền núi vùng sâu vùng xa và hải đảo, Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Khuyến công quốc gia, Thương hiệu quốc gia đã hỗ trợ rất nhiều cho các mặt hàng đặc trưng, đặc sản, các mặt hàng có tiềm năng, lợi thế của khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có thể tiếp cận được với hệ thống phân phối hiện đại trên cả nước, các trung tâm kinh tế thương mại cả nước.

Thời gian qua, đã có hàng chục mặt hàng đặc trưng, đặc sản, lợi thế của từng vùng thâm nhập được vào hệ thống phân phối lớn, đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng như mẫu mã, quy cách đóng gói, các yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của xã hội cũng như thị trường tiêu dùng tại kênh phân phối hiện đại.

Bên cạnh đó, các kênh phân phối này thực sự đã thúc đẩy phát triển hàng hóa các địa phương. Hiện mỗi tỉnh có hàng chục mặt hàng đặc trưng, đặc sản, có tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững, lâu dài trong hệ thống phân phối của thị trường nội địa.

“Hiện nay, kể cả hệ thống phân phối trong nước, hệ thống của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại các trung tâm kinh tế của cả nước đều phân phối những mặt hàng đặc trưng, đặc sản, những mặt hàng riêng biệt của khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” – ông Nguyễn Văn Hội nhấn mạnh.

Kết quả này đã mang lại giá trị lớn vì được phân phối tại các hệ thống hiện đại thì giá trị sản phẩm, hàng hóa sẽ cao hơn rất nhiều. Từ đó, thúc đẩy phát triển chính các thương nhân của khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Các hoạt động của Bộ Công Thương thời gian qua đã thu hút sự vào cuộc, chung tay của các hệ thống phân phối lớn như Saigon Co.op; Central Retail, Winmart, MM Market Aeon, BRG… tham gia kết nối tiêu thụ sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hợp tác Xã Yến Dương (tỉnh Bắc Kạn) - đơn vị đang tham gia cung cấp sản phẩm nổi tiếng của địa phương là gạo nếp tài, mến rong và bí thơm. Riêng sản phẩm bí thơm, năm 2023, cả tỉnh Bắc Kạn có hơn 200 ha, trong đó Hợp tã Xã Yến Dương chiếm 1/10, với sản lượng hàng năm tiêu thụ từ 500-700 tấn/năm.

Theo bà Ma Thị Ninh, Giám đốc Hợp tác Xã Yến Dương, hiện các sản phẩm của hợp tác xã đã xuất hiện trên kệ các siêu thị lớn như Big C, WinMart, Sản phẩm của HTX Yến Dương và các hệ thống chuỗi thực phẩm sạch như Sói Biển, Bác Tôm, Big Green …

Tháo gỡ khó khăn

Mặc dù đã có một số tín hiệu mừng, song việc đưa sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào hệ thống phân phối hiện nay còn gặp một số khó khăn. Đơn cử, bà Ma Thị Ninh chia sẻ, để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, HTX Yến Dương đã tham gia nhiều hội nghị, chương trình xúc tiến thương mại để tiếp cận, kết nối với các chuỗi thực phẩm sạch, siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại để mở rộng thị trường. Tuy nhiên, HTX dù đã đưa được sản phẩm vào siêu thị nhưng lại không được trực tiếp ký kết hợp đồng mà chỉ thông qua một số đối tác.

“Từ sự khó khăn như vậy, doanh nghiệp mong muốn các siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại sẽ có những chính sách hỗ trợ Hợp tác Xã, làm sao để các bà con đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao tiếp cận được, như chính sách về hàng hóa, tài chính, công nợ… Đặc biệt, về logistics vẫn còn khó khăn, không có kho bãi để lưu lại chờ mang hàng lên kệ…”, bà Ma Thị Ninh nói.

Đối với vùng Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng, bà Đào Thị Thu Nguyệt - Phó Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai chia sẻ hạ tầng và công nghệ vẫn còn hạn chế. Vì vậy giải pháp Gia Lai đưa ra là tăng cường công nghệ, mở rộng ứng dụng công nghệ hiện đại hơn trong quá trình sản xuất, nuôi trồng, chế biến và áp dụng các tiêu chuẩn cao.

Cụ thể, như tiêu chuẩn VietGAP để mang lại hiệu quả cao hơn, có thể thực hiện được chương trình bán hàng, chương trình chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ giao thương với thị trường lớn. Cùng đó, tiếp tục thúc đẩy phát triển loại hình thương mại tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, phù hợp với phong tục, tập quán và quy mô sản xuất của từng địa phương.

Về kênh siêu thị, hiện Co.op Mart và WinMart là hai siêu thị có thế mạnh của tỉnh Gia Lai và một số siêu thị bán lẻ lớn ở các tỉnh khác. Các tỉnh, thành phố cũng mong muốn doanh nghiệp tìm hiểu thêm về sản phẩm có thế mạnh của tỉnh để từng bước hỗ trợ đưa sản phẩm nông sản của địa phương vào tiêu thụ trên kệ của siêu thị lớn tại các tỉnh, thành phố khác. Đồng thời, cần triển khai chính sách ưu đãi, kêu gọi phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, lồng ghép nguồn lực, kêu gọi, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư để nâng cấp, cải tạo các trung tâm, chợ nhằm đáp ứng nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Hội cho hay, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ triển khai thiết thực các Chương trình mục tiêu quốc gia, hoạt động hỗ trợ bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển sản phẩm mang đậm đặc trưng dân tộc trong thời gian tới. Đồng thời, hoàn thiện chính sách; giải quyết các vấn đề về kho bãi, logistics; phát triển kênh thương mại điện tử, triển khai hạ tầng thương mại, nhất là chợ đầu mối; tăng cường truyền thông và quảng bá sản phẩm cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, Bộ Công Thương sẽ triển khai các Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng miền núi, dân tộc thiểu số;Chương trình phát triển thương mại vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, Chương trình người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt Nam; Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Chương trình thương hiệu quốc gia và các Chương trình khuyến công quốc gia... nhằm đạt hiệu quả thiết thực trong thời gian tới.

Về phía các địa phương, nhằm hỗ trợ bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bà Đào Thị Thu Nguyệt khẳng định, thời gian tới, tỉnh Gia Lai sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ. Cùng đó, cần sự chung tay của các cấp, ngành, địa phương để hỗ trợ đưa sản phẩm của vùng dân tộc thiểu số vào chuỗi cung ứng; mong muốn hệ thống phân phối chung tay hỗ trợ đưa sản phẩm của bà con vào chuỗi siêu thị.

Đặc biệt, triển khai chính sách ưu đãi, phát triển hạ tầng; nâng cấp đầu tư; nâng cao năng lực sản xuất, tăng khả năng cạnh cho sản phẩm của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Dưới góc độ doanh nghiệp phân phối, thời gian qua, MM Mega Market Việt Nam cũng đã triển khai các kho trung chuyển khắp 3 miền, sắp tới là ở khu vực Tây Bắc để làm sao các sản phẩm ở Tây Bắc sẽ trực tiếp đi từ Bắc vào Nam thông qua kho trung chuyển của MM Mega Market Việt Nam. Từ đó gỡ khó cho các hộ nông dân, HTX khâu vận chuyển vì đấy là bài toán cực kỳ khó cho các đơn vị sản xuất. Họ là những đơn vị nhỏ lẻ, mà chi phí vận chuyển quá lớn thì không thể đáp ứng được tiêu chí sản phẩm về chất lượng, an toàn thực phẩm.

 

Bình luận của bạn