TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 11% năm 2019
Đây là mục tiêu của TP. Hồ Chí Minh đặt ra trong năm 2019 trên cơ sở tận dụng tối đa lợi thế của các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, tình hình xuất khẩu của thành phố trong năm 2019 có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn cho doanh nghiệp (DN) khi tham gia thị trường vì sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các quốc gia.
Năm 2018 kim ngạch xuất khẩu của DN thành phố qua cửa khẩu cả nước đạt 38,32 tỷ USD, tăng 7,8%; trừ dầu thô kim ngạch đạt 36,1 tỷ USD, tăng 11,1% (năm 2017 tăng 16%). Các mặt hàng có kim ngạch tăng gồm thủy sản (tăng 15,17%); hàng rau quả (tăng 31,64%)... Các mặt hàng kim ngạch giảm gồm cao su (giảm 27,56%); hạt điều (giảm 7%); hạt tiêu (giảm 35,95%). Nhóm hàng công nghiệp chiếm tỷ trọng 75,8%, kim ngạch ước đạt 27,33 tỷ USD, tăng 7,1%. Nhìn chung các mặt hàng trong nhóm có kim ngạch đều tăng so với cùng kỳ như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (tăng 17,6%); dệt may (tăng 4,07%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng (tăng 1,91%)...
Theo ông Đông, do tác động của chính sách bảo hộ thương mại Hoa Kỳ và cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của DN thành phố chững lại trong năm 2018 .
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng thuộc nhóm hàng nông lâm thủy hải sản giảm so với cùng kỳ như: cao su giảm 27,5%, hạt tiêu giảm 35,9%, hạt điều giảm 7%,… Nguyên nhân chủ yếu là do giá xuất khẩu bình quân của các mặt hàng này giảm so với cùng kỳ. Kim ngạch sụt giảm do giá xuất khẩu giảm của 4 mặt hàng trên làm kim ngạch xuất khẩu của thành phố giảm hơn 750 triệu USD, tương ứng với sụt giảm 4 điểm phần trăm tốc độ tăng trưởng. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tăng thấp, giày dép giảm một phần do thiếu hụt lao động và chi phí mặt bằng đắt đỏ. Hiện nhiều DN có xu hướng dịch chuyển nhà máy sang khu vực miền Trung và miền Bắc. Các khu vực này có lợi thế là giá thuê đất tại các khu công nghiệp thấp hơn 1/2 hoặc 1/3 so với giá thuê mặt bằng tại TP.Hồ Chí Minh, mặt khác nguồn lao động dồi dào và chi phí lao động cũng thấp hơn nhiều.
Năm 2019, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu (trừ dầu thô) của các DN thành phố qua cửa khẩu cả nước đặt mục tiêu tăng 11% (năm 2018 tăng 7,8%). Để đạt được kế hoạch này, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều quyết sách, trong đó tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; hỗ trợ tối đa cho DN về vốn, thị trường, xúc tiến thương mại; tận dụng tối đa về các hiệp định thương mại và thực hiện quyết liệt các đề án phát triển xuất khẩu chiến lược. “Trong quý 1/2019, Sở Công Thương thành phố sẽ trình UBND TP. Hồ Chí Minh về định hướng và kế hoạch xuất khẩu sau khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa chính thức có hiệu lực để các DN hoạch định sản xuất kinh doanh có hiệu qủa ”, ông Đông cho biết.
Ông Trương Tiến Dũng - Phó Chủ tịch thường trực Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA) cho rằng, trong năm 2018, hàng nghìn DN hội viên thuộc FFA đã nổ lực sản xuất và xuất khẩu hàng hóa qua hàng trăm quốc gia. Các hội viên của FFA hiện nay đủ tiềm lực để sản xuất các sản phẩm lượng thực, thực phẩm đạt chất lượng cao, đáp ứng mọi điều kiện của các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, các nước thuộc khối EU và sự tiếp cận của hàng Việt đối với các thị trường này ngày càng lớn mạnh. Trong năm 2019, FFA sẽ nổ lực giúp các DN hội viên sản xuất các mặt hàng mà thị trường các nước có nhu cầu cao, hỗ trợ tìm đối tác, mở rộng thị trường, nhất là các thị trường tiềm năng, chẳng hạn như thị trường Israel, vốn rất có tiềm năng đối với các loại nông sản, thực phẩm của Việt Nam.
Nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, TP. Hồ Chí Minh hiện đang triển khai xây dựng Đề án Phát triển xuất khẩu giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030; Đề án Phát triển ngành logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đề án Phát triển Xuất khẩu dự báo cơ hội và thách thức đối với xuất khẩu của thành phố trong bối cảnh mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế; xác định các nhóm ngành, sản phẩm xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh của thành phố và đề xuất chiến lược, hệ thống giải pháp ngắn hạn - trung hạn - dài hạn để phát triển xuất khẩu bền vững.
TP. Hồ Chí Minh cũng đang đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu như hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao sức cạnh tranh cho DN; xúc tiến đầu tư, thương mại theo thị trường, ngành hàng, lĩnh vực kinh doanh cụ thể để nâng cao khả năng tiếp cận thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu trọng điểm. Theo đó, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm đối tác, thị trường mới, mặt hàng mới, thâm nhập các kênh phân phối, tham dự hội chợ, triển lãm...Xây dựng kế hoạch xúc tiến đối với từng thị trường xuất khẩu tại các nước thành viên của Hiệp định CPTPP.