TP. Hồ Chí Minh sẽ thực hiện các chương trình thúc đẩy tiêu dùng

Mặc dù 10 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của TP. Hồ Chí Minh đã có mức tăng trưởng cao tới 11,59% so với cùng kỳ năm 2016, song từ giờ đến cuối năm, ngành Công Thương nơi đây sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình thúc đẩy tiêu dùng.  

Phát triển thị trường nội địa

Đây là nhiệm vụ của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh tại Thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp UBND thành phố về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, thu chi ngân sách thành phố tháng 10 và công tác trọng tâm tháng 11/2017.

Cụ thể, lãnh đạo thành phố yêu cầu Sở Công Thương thực hiện các chương trình thúc đẩy tiêu dùng; theo dõi biến động giá cả các hàng hóa thiết yếu và dự báo biến động giá cả; kiểm tra, chuẩn bị đảm bảo cung cấp nguồn hàng phục vụ Tết Mậu Tuất 2018; hoàn thành trình Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

Đây được coi là những nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát huy những kết quả mà ngành Công Thương thành phố đã đạt được trong thời gian qua. Theo báo cáo của UBND thành phố, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong tháng 10 ước đạt 79.016,3 tỷ đồng, tăng 1,29% so tháng trước. Tính chung 10 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 756.667,6 tỷ đồng, tăng 11,59% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng thương mại bán lẻ hàng hóa chiếm 64,5%, tăng 12,5%.

Không tính dầu thô, xuất khẩu tăng tới 23,7%

Cũng theo báo cáo UBND thành phố, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh trong tháng 10 ước đạt 3,06 tỷ USD, tăng 3,5% so với tháng trước, tăng 2,0% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 29,15 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ. Nếu không tính giá trị dầu thô, giá trị xuất khẩu của thành phố mang về cho đất nước ước đạt 26,6 tỷ USD, tăng tới 23,7% so với cùng kỳ năm trước.

Về thị trường, các doanh nghiệp nơi đây vẫn không ngừng mở rộng thị trường. Nhờ vậy, thị trường xuất khẩu một số nước tăng nhanh như: Singapore tăng 86,3%; Myanmar tăng 65,6%; Ấn Độ tăng 35,5%; Malaysia tăng 34,9%; Thái Lan tăng 34,0%; Trung Quốc tăng 22,6%…

Về mặt hàng, các mặt hàng công nghiệp vẫn duy trì vị trí đứng đầu như: cao su tăng 32,6%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 29,6%...

Với nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn trong tháng 10 ước đạt 3,7 tỷ USD, tăng 4,4% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng, con số này ước đạt 35,17 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Về nước nhập khẩu, TP. Hồ Chí Minh nhập khẩu hàng hóa nhiều từ Trung Quốc (tăng 43,5%); Ấn Độ (39,6%); Philippines (tăng 38%); Campuchia (tăng 103,3%)… và ngành hàng nhập khẩu chủ yếu là trang thiết bị, nguyên vật liệu cho sản xuất như: sản phẩm điện tử và linh kiện (tăng 28,8%); kim loại (tăng 38,0%)…

Bình luận của bạn