TP.HCM: Kết nối chuỗi an toàn thực phẩm
Đảm bảo đầu ra cho nông sản sạch chính là để chuỗi thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng
Thực phẩm nào cũng gắn mác sạch!
Hiện nay, tại TP.HCM, hàng ngàn địa điểm kinh doanh, phân phối thực phẩm sạch và treo biển thực phẩm an toàn nhưng không có cơ sở để kiểm tra, giám sát và kiểm chứng sản phẩm có đạt chứng nhận an toàn thực phẩm hay không? Tình trạng loạn cửa hàng, đơn vị kinh doanh thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn, không chỉ diễn ra ở những mặt hàng thiết yếu như gạo, rau củ, quả... mà ngày càng lan rộng ra nhiều sản phẩm khác.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, TP. Cần Thơ, cho rằng, một trong những nguyên nhân thực phẩm kém chất lượng tràn lan trên thị trường là do tâm lý người tiêu dùng muốn sử dụng sản phẩm chất lượng nhưng ngại chi nhiều tiền để mua sắm. Chính điều này đã khiến cho sản phẩm chất lượng thực thụ không thể cạnh tranh và đây cũng là lý do khiến người sản xuất kinh doanh sản phẩm đạt tiêu chuẩn khó tồn tại. Thậm chí, chính tâm lý này của người tiêu dùng kéo theo sự xuất hiện của những đơn vị sản xuất kinh doanh quảng cáo, tiếp thị không trung thực.
Tương tự, đại diện cho công ty sản xuất kinh doanh về dừa xuất khẩu ở Bến Tre cho biết, thời gian qua, công ty dự định chế biến sản phẩm từ nông sản để xuất khẩu, trong quá trình thử nghiệm với nguyên liệu hành mua từ chợ về kết quả có dư lượng thuốc trừ bảo vệ thực vật nên không đạt yêu cầu. Công ty tiếp tục thử nghiệm với nguyên liệu hành mua từ siêu thị thế nhưng vẫn có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vì vậy kế hoạch xuất khẩu sản phẩm mới bị thất bại.
Theo cơ quan chức năng, việc tổ chức buổi kết nối với mục đích chính đó là ngoài kiểm soát thị trường cần phải kết hợp gia tăng sản phẩm an toàn thực phẩm, điều này có nghĩa là tìm cách để hạn chế những ảnh hưởng của thực phẩm kém chất lượng đến người tiêu dùng. Đồng thời, buổi kết nối các đơn vị cũng yêu cầu tránh sự chồng chéo trong quản lý và xử lý những vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm.
Chuẩn VietGAP tạo niềm tin cho người tiêu dùng về hàng sạch
Phải có sự cam kết từ người sản xuất và đơn vị kiểm tra
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Ban Quản lý ATTP TP. HCM, khảo sát thực tế cho thấy việc quản lý và xử lý hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm đang có sự chồng chéo giữa nhiều cơ quan chức năng đã tạo kẽ hở cho thực phẩm kém chất lượng kinh doanh phổ biến trên thị trường.
Đơn cử, đối với mặt hàng nông sản trồng trọt trên đồng ruộng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý; nhưng khi sản phẩm phân phối ra thị trường thì thuộc Bộ Công Thương quản lý; đồng thời sản phẩm lên bàn ăn lại do Bộ Y tế quản lý. Việc quản lý sản xuất kinh doanh và chất lượng sản phẩm liên quan nhưng chưa có sự liên thông, liên kết, nên vẫn tồn tại nhiều bất cập.
Mặt khác, thói quen người tiêu dùng cũng ảnh hưởng lớn đến vấn đề quản lý sản xuất kinh doanh thực phẩm và đảm bảo các quy định pháp luật trong lĩnh vực này. Đó là hiện nay người tiêu dùng vẫn mua sắm thực phẩm ở kênh truyền thống, chợ tạm, quán cóc, hàng rong... Trong khi mạng lưới bán lẻ của kênh phân phối hiện đại chỉ mới chiếm khoảng 20% thị phần, nên chưa đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
TP.HCM đã và đang triển khai nhiều chương trình hành động thiết thực để định hướng xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho thị trường nội địa, hướng đến xuất khẩu. Tuy nhiên, cần có sự tham gia và góp sức của hiệp hội ngành nghề, DN, nông dân... để triển khai quy trình sản xuất kinh doanh thực phẩm theo quy định của pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế; trong đó, cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương khác trong việc cung ứng, tạo nguồn cung ứng thực phẩm cho TP.HCM không chỉ về số lượng mà cả về chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, kinh nghiệm từ nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, ngoài việc DN và người nông dân chủ động đầu tư sản xuất kinh doanh và nâng cao chất lượng sản phẩm, cần có vai trò hỗ trợ của cơ quan chức năng, hiệp hội ngành hàng và nhà khoa học. Từ đó, mới giúp DN và người nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh và chứng nhận sản phẩm an toàn, đạt tiêu chuẩn chất lượng, giảm thiểu rủi ro khi đưa hàng hóa ra thị trường và xuất khẩu.
“Sự cam kết và uy tín của cả người sản xuất và những tiêu chuẩn đo lường từ các cơ quan chứng nhận là rất quan trọng. Để có thực phẩm sạch và an toàn, các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm có tiếng trên thế giới cũng dựa vào những cam kết bảo đảm có sự phối kiểm tra và sẳn sàng loại bỏ những đơn vị làm ăn gian dối”, bà Hạnh khẳng định.
“Thủ tướng Chính phủ có quyết định thành lập Ban quản lý ATTP TP.HCM là sự kết hợp của các đơn vị gom việc quản lý xử lý vi phạm đối với thực phẩm về một đầu mối. Năm 2017, xuất khẩu được 3,5 tỷ USD rau củ quả, nghĩa là tiềm năng làm được thực phẩm sạch của chúng ta là rất lớn. Tuy nhiên, còn thị trường trong nước, người dân và nhà quản lý cũng chưa yên tâm, chính vì vậy, chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm để cấp giấy chứng nhận điều phối trong cả quá trình liên kết để người nông dân an tâm sản xuất nông sản sạch với đầu ra ổn định”, bà Lan khẳng định.