TPP thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu giày dép
Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được các bên tuyên bố kết thúc đàm phán. Chia sẻ về sự kiện này, bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam cho rằng, các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là TPP sẽ thúc đẩy xuất khẩu giày dép của Việt Nam tăng trưởng mạnh.
Da giày được nhận định là ngành hưởng lợi ích cốt lõi của Việt Nam khi tham gia TPP. Thực tế, ngay từ khi hiệp định còn đang được đàm phán ngành da giày đã có sự thay đổi rõ rệt. Nói về điều này bà Phan Thị Thanh Xuân cho biết: Dòng đơn hàng, đặc biệt từ Trung Quốc đã chuyển mạnh về Việt Nam, một số đối tác tuy chưa dịch chuyển cũng đã tìm hiểu thông tin thị trường.
Nguyên nhân là do, Trung Quốc đang mất dần lợi thế về nhân công trong khi Việt Nam còn đang ở thời kỳ dân số vàng với 55% dân số đang ở độ tuổi lao động. Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 trên thế giới về xuất khẩu giày dép, có kinh nghiệm, uy tín, là lựa chọn tốt cho các nhà nhập khẩu. Tuy nhiên, việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là TPP với thị trường khổng lồ mới là nhân tố chính, thu hút nhanh chóng các nhà nhập khẩu, nhà đầu tư đến với ngành.
Đón nhận các lợi ích từ TPP, không thua kém doanh nghiệp FDI, khối doanh nghiệp trong nước cũng đã đầu tư mạnh cho sản xuất, nguyên phụ liệu nhằm nâng cao năng lực đáp ứng đơn hàng.
Theo ông Nguyễn Hữu Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phong Châu, để đáp ứng quy tắc xuất xứ từ các hiệp định thương mại tự do, trong đó có TPP, Phong Châu đã cố gắng nội địa hóa khoảng 70% nguyên phụ liệu. Doanh nghiệp cũng đầu tư mạnh cho khâu thiết kế mẫu mã và tập trung xuất khẩu vào các thị trường khối TPP, thị trường khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Hữu Anh, TPP tuy thuế suất giảm dần về 0% nhưng lại dựng lên những rào cản phi thuế quan khó vượt.
Bà Phan Thị Thanh Xuân cũng cho hay: Rào cản phi thuế quan vẫn được coi là công cụ hữu hiệu bảo vệ sản xuất trong nước của các quốc gia tham gia ký kết hiệp định thương mại tự do. Mỹ là thị trường lớn nhất của da giày Việt Nam trong khối TPP, những quy định về an toàn sản phẩm, thủ tục hải quan… tại thị trường này rất ngặt nghèo và luôn thay đổi. Việc đáp ứng các quy định rất khó khăn phức tạp, năm 2014 đã có không ít doanh nghiệp trong nước nhận được các cảnh báo vi phạm.
Với thuế xuất 0%, TPP mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp giày dép Việt. Tuy nhiên, làm thế nào để giữ được miếng bánh thị phần, đứng vững trước sức ép cạnh tranh là điều rất khó khăn. Chuyên gia kinh tế đã khuyến cáo: Doanh nghiệp trong ngành cần khắc phục nhược điểm chất lượng nhân lực; nâng cao năng suất lao động; áp dụng những mô hình quản lý tiên tiến nhằm tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm; chuyển dịch sản xuất về khu vực nông thôn để tận dụng nguồn lao động...