Trái chiều với thế giới, giá mủ cao su trong nước vẫn ổn định

Trong tháng Tư, giá mủ cao su trong nước vẫn duy trì được thế vững, trái với xu hướng biến động giảm mạnh trên thị trường cao su thế giới.

 
trai chieu voi the gioi gia mu cao su trong nuoc van on dinh
Thu hoạch mủ cao su tại Nông trường cao su Tân Lợi, Bình Phước. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

 

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong tháng Tư, giá mủ cao su trong nước vẫn duy trì được thế vững, trái với xu hướng biến động giảm mạnh trên thị trường cao su thế giới.

Tại Đồng Nai, giá thu mua mủ cao su vẫn giữ ở mức 12.875 đồng/kg. Bên cạnh đó, trong tháng, khối lượng xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam đã đạt hơn 23.000 tấn, tăng 100 tấn so với tuần cuối tháng Ba do nhu cầu tăng của các đối tác Trung Quốc.

Trong số đó, cao su tiểu điền chiếm 30%, nhưng chỉ 45% đạt chất lượng loại 1, còn lại là cao su xám đóng bánh SVR 10 và SRV 20.

Cụ thể, giá cao su SVR 3L tăng từ 18.540 nhân dân tệ/tấn lên 19.000 nhân dân tệ/tấn. Cao su SVR CV50 và SVR CV60 tăng mạnh hơn, từ 16.350 ​nhân dân tệ/tấn lên 17.000 ​nhân dân tệ/tấn.

Các chuyên gia cũng dự báo giá cao su xuất khẩu nhiều khả năng sẽ ổn định đến giảm nhẹ trong thời gian tới do nguồn cung sẽ tăng khi vụ thu hoạch mới đang bắt đầu.

Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) cũng cho biết, trong quý 2, sản xuất cao su tự nhiên của các nước ANRPC được dự báo tăng 5,8% lên 2,491 triệu tấn, từ mức 2,355 triệu tấn trong cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, sản xuất tại các nước thành viên ANRPC, trừ Indonesia, vẫn duy trì ở mức thấp cho tới tháng Năm, do hiện đang mùa nghỉ cạo mủ vào mùa Đông, diễn ra vào tháng Hai và tháng Ba hàng năm.

Bên cạnh đó, Thái Lan-nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới đang phối hợp với Malaysia và Indonesia giảm nguồn cung cao su nhằm bình ổn giá mặt hàng này trên thị trường. Đặc biệt, trong bối cảnh giá mặt hàng này đang liên tục dao động, nguồn cung của Thái Lan chưa khôi phục sau trận lụt nghiêm trọng tại miền Nam nước này hồi năm ngoái trong khi người trồng cao su ở Ấn Độ và Indonesia đang giảm lượng khai thác.

Mặt khác, Thái Lan cũng đã thông qua quyết định mở rộng chương trình trợ cấp giá cao su trị giá 20 tỷ baht (gần 600 triệu USD) và các gói cho vay hỗ trợ lên tới 10 tỷ baht cho các cơ sở sản xuất cao su tư nhân để giúp họ thúc đẩy sản xuất.

Khi các thị trường lớn vực dậy sản xuất và ổn định giá cả thì cũng đồng nghĩa gia tăng hơn sức cạnh tranh với thị trường cao su Việt Nam. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng dự báo, sản phẩm cao su thiên nhiên của Việt Nam vẫn giữ giá và khả năng sẽ tăng 4 – 5% vào đầu quý 2 do nguồn cung hiện vẫn đang hạn chế.

Theo số liệu báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 4 đạt 51.000 tấn với giá trị đạt 100 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cao su 4 tháng đầu năm nay ước đạt 301.000 tấn và 611 triệu USD, giảm 5,4% về khối lượng nhưng tăng 66% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

trai chieu voi the gioi gia mu cao su trong nuoc van on dinh
Thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2017. (Đơn vị: %)

Giá cao su xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm đạt 2.043 USD/tấn, tăng 78,7% so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc, Hàn Quốc, và Malaysia là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2017, chiếm thị phần lần lượt 64,7%, 4,5% và 3,9%. Giá trị xuất khẩu cao su sang 3 thị trường này tăng lần lượt là: gấp 2,3 lần, gấp 2,6 lần và 2% so với cùng kỳ năm 2016.

Bình luận của bạn