“Việt Nam đang bước vào thời kỳ bùng nổ cho ngành hàng tiêu dùng”
Đó là khẳng định của TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam trong dòng chảy hội nhập thế hệ mới (TPP-FTA) – những tác động đối với doanh nghiệp” tổ chức sáng 19/2.
Hiện nay, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với nhiều Hiệp định thương mại tự do(FTA) khác nhau song ông Thành đánh giá, thời điểm Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP chính là thời điểm mang tính chất bước ngoặt.
Triển vọng cho thấy sẽ có rất nhiều ngành nghề mới ra đời và phát triển để phục vụ người tiêu dùng. Ông cũng đưa ra dự báo, bên cạnh các hiệp định thương mại tự do, các lĩnh vực du lịch, giải trí cũng sẽ bùng nổ và là chiều hướng mới của thị trường.
Ông Thành dẫn chứng, trong tháng 1.2016, dòng vốn FDI vào bất động sản giảm sâu, nhưng bật tăng vào giải trí. Với 1 dự án lớn tổng vốn đầu tư 210,58 triệu USD, lĩnh vực nghệ thuật, vui chơi, giải trí hiện đang đứng thứ hai, chiếm 15,7% tổng vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, cũng theo vị chuyên gia này, doanh nghiệp Việt Nam muốn chiếm lĩnh được thị trường trong dòng chảy hội nhập cần phải hiểu và thỏa mãn các quy tắc xuất xứ, mảng phân phối, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật.
“Đơn cử như nguyên tắc xuất xứ “chặt” như TPP cũng có nhiều linh hoạt như nguyên tắc 1 đổi 1, may áo có quy tắc “từ sợi trở đi” nhưng may túi xách chỉ cần sợi chỉ trong nội khối TPP còn vải có thể nhập ở đâu cũng được. Tuy nhiên, với năng lực hiện có, hàng dệt may trong dài hạn phải cố gắng tăng hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm để thu lợi khi xuất khẩu” – ông Thành đưa ra ví dụ.
Nhìn chung, ông Thành cho biết, câu chuyện mở rộng ngành hàng tiêu dùng, dịch vụ hàng hóa đều hướng đến một mục đích duy nhất là đem đến sản phẩm tốt nhất phục vụ người tiêu dùng. Tuy nhiên, hàng hóa này còn mở rộng cho cả những người đã sản xuất, phục vụ chính doanh nghiệp. Bằng cách này, hàng tiêu dùng sẽ phải đáp ứng được các tiêu chuẩn mới rất cao: thứ nhất là sạch, thứ hai là xanh, thứ ba là thông minh và bốn là mang tính biểu tượng hơn.
Bên lề hội thảo, TS Võ Trí Thành thông tin thêm, sang tuần sau, Việt Nam sẽ công bố báo cáo chiến lược kinh tế năm 2035 dày 400 trang. Trong đó đưa ra dự báo lạc quan rằng, vào năm 2035 Việt Nam sẽ từ nước thu nhập trung bình thấp trở thành nước thu nhập trung bình cao và bắt đầu được xếp vào hàng ngũ các nước trung lưu.