Việt Nam sẽ đón làn sóng đầu tư mới từ Ấn Độ?

Các chuyên gia kinh tế tại Ấn Độ cho rằng, sự tăng đột biến của đầu tư Ấn Độ vào Việt Nam có thể mới chỉ là khởi đầu của một làn sóng đầu tư mới của Ấn Độ vào Việt Nam.

alt

Hội thảo “Thúc đẩy thương mại nông sản Việt Nam - Ấn Độ” vào cuối tháng 9/2015, tại Thủ đô New Delhi.

Theo công bố mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đầu tư trực tiếp của Ấn Độ vào Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay đã đạt xấp xỉ 229 triệu USD, gần bằng toàn bộ giá trị đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam từ trước tới đến nay.

Hoạt động nhộn nhịp

Đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam tăng gần 77% trong 9 tháng qua, nâng tổng số dự án FDI còn hiệu lực của Ấn Độ vào Việt Nam lên 111 dự án với tổng vốn đầu tư là 529 triệu USD. Đồng thời, thứ hạng của Ấn Độ được nâng lên 3 bậc, từ thứ 30 vào cuối năm ngoái lên đứng thứ 27 trên 105 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Tính đến cuối tháng 12/2014, FDI của Ấn Độ vào Việt Nam mới chỉ đạt 87 dự án với vốn đăng ký là 298 triệu USD.

Kể từ đầu năm đến nay, một số dự án FDI tương đối lớn của Ấn Độ được cấp phép, trong đó có dự án Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Việt Hưng tại Tp. Hồ Chí Minh, cấp phép ngày 19/1/2015 với tổng vốn đầu tư đạt 47,6 triệu USD, hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu thực phẩm gia vị và rau quả, hay dự án đầu tư của Tập đoàn Bohra Industries tại Nghệ An, cấp phép ngày 15/2/2015 với tổng vốn đầu tư 24 triệu USD, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chế biến phân lân, supe phốt phát…

Các tập đoàn hàng đầu của Ấn Độ đã và đang tiếp tục vào Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực, từ công nghệ thông tin đến dệt may, từ dược phẩm, hoá chất đến dịch vụ chăm sóc khách hàng…

Sự chuyển biến mạnh mẽ về đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam phản ánh một thực tế là môi trường đầu tư của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, khiến cho tổng nguồn vốn FDI vào Việt Nam nói chung tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm, đạt 17,15 tỷ USD, tăng 53,4% so với cùng kỳ năm 2014.

Đây chính là “quả ngọt” từ những nỗ lực của Việt Nam nhằm thu hút đầu tư từ Ấn Độ, đặc biệt kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2007 và Ấn Độ thay đổi từ chính sách “hướng Đông” sang “Hành động hướng Đông”. Lên cầm quyền tháng 5/2014, Thủ tướng Narendra Modi đã có những biện pháp cụ thể như lập Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV) từ đầu năm 2015.

Còn nhiều “đất diễn”

Các chuyên gia kinh tế tại Ấn Độ cho rằng, sự đột biến nói trên có thể mới chỉ là khởi đầu của một làn sóng đầu tư mới của Ấn Độ vào Việt Nam. Thực tế đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam còn ở mức độ rất xa so với tiềm năng. Con số 229 triệu USD mà Ấn Độ đầu tư tại Việt Nam mới chỉ chiếm 1,45% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Ấn Độ trong 8 tháng đầu năm nay, được Cục Dự trữ liên bang Ấn Độ (RBI) ước tính đạt 15,66 tỷ USD.

Hiện vẫn chưa có những dự án quy mô lớn của Ấn Độ chính thức vào Việt Nam, đầu tư của Ấn Độ tại Việt Nam mới ở mức trung bình là 5 triệu USD/dự án.

Tuy nhiên, chắc chắn điều này sẽ thay đổi, nếu dự án nhiệt điện Long Phú II đã được Chính phủ Việt Nam chấp thuận cho phép đầu tư theo hình thức BOT do Tập đoàn Tata của Ấn Độ làm chủ đầu tư có quy mô 1,8 tỷ USD và dự án thành lập khu công nghiệp dệt may đầu tiên của Ấn Độ tại Việt Nam trở thành hiện thực.

Triển vọng đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam hiện sáng sủa hơn bao giờ hết. Ấn Độ là một trong những điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu. Các tổ chức quốc tế như WB, IMF, OECD, UNCTAD đều nhận định, Ấn Độ sẽ tăng trưởng trên 7,2% trong năm nay và khoảng 7,5% trong năm tới. Ấn Độ đã trở thành nền kinh tế lớn thứ ba châu Á với GDP khoảng 2.000 tỷ USD và có kinh nghiệm cũng như sức mạnh tài chính hàng đầu thế giới.

Quê hương của yoga được biết như là siêu cường trên thế giới về công nghệ thông tin với cuộc Cách mạng xám, song không nhiều người biết Ấn Độ là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất thuốc generic hay Cuộc cách mạng trắng đã đưa Ấn Độ trở thành nước sản xuất sữa hàng đầu…

Theo nghiên cứu của công ty Care Ratings, các dự án đầu tư của Ấn Độ ra nước ngoài tập trung vào lĩnh vực vận tải và logistics (chiếm 30,4% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Ấn Độ), chế xuất (25,8%), nông nghiệp (16,5%), kinh doanh và nhà hàng (9,9%), xây dựng (4,8%)… Đây đều là những lĩnh vực mà Ấn Độ có thế mạnh và Việt Nam đang cần và khuyến khích đầu tư.

Nguồn: tgvn.com.vn

Bình luận của bạn