Việt Nam thuộc nhóm thực thi cam kết ASEAN cao nhất

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú tại tọa đàm “Cộng đồng kinh tế ASEAN” do Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tổ chức chiều 16/6, tại Hà Nội.  

alt

Thứ trưởng cho biết, tính đến tháng 4/2015, tỷ lệ thực thi hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã đạt mức 90,5% (tương đương với 475/505 biện pháp) của các biện pháp ưu tiên thực hiện AEC. Đây là các biện pháp ưu tiên nhằm giải quyết những thách thức và vướng mắc chủ yếu trong quá trình xây dựng AEC.

Qua các giai đoạn từ năm 2008 đến nay, Việt Nam luôn là một thành viên nghiêm túc trong việc  thực thi các cam kết ASEAN với tỷ lệ thực hiện từ 85%-95% tùy từng giai đoạn. Việt Nam cũng đã phê chuẩn các gói cam kết về dịch vụ và đầu tư nhằm thúc đẩy hợp tác nội khối trong các lĩnh vực này. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nỗ lực đàm phán trong ASEAN về các giải pháp nhằm cân đối giữa mục tiêu chung tự do hóa thương mại của khối với hoàn cảnh đặc thù của Việt Nam, đề nghị có những linh hoạt đối với các mặt hàng nhạy cảm. Cụ thể như duy trì thuế đối với các mặt hàng đường, gạo, xăng dầu …

Một số biện pháp còn lại cần phải hoàn thành chủ yếu thuộc các lĩnh vực về thuận lợi hóa thương mại, dịch vụ, đầu tư và giao thông vận tải. Đây là những lĩnh vực mà Việt Nam và các nước ASEAN gặp nhiều khó khăn hơn khi triển khai trong nước. Việt Nam và các nước ASEAN đang xây dựng tầm nhìn của AEC sau 2015 trong đó xác định rằng chương trình nghị sự của ASEAN phải đưa ra chiến lược cụ thể để giải quyết những khó khăn đó.

Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho biết thêm, thuận lợi hóa thương mại được coi là một giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các cơ hội của AEC. Trong bối cảnh các rào cản tiếp cận  thị trường đang được dỡ bỏ, việc thực hiện các cải cách, hiện đại hóa các thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng giúp các doanh nghiệp cắt giảm thời gian và chi phí….và qua đó nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Theo đó, các bộ ngành liên quan của Việt Nam đã và đang phối hợp triển khai “Cơ chế một cửa quốc gia” với mục tiêu là điện tử hóa các thủ tục xuất nhập khẩu của các Bộ, ngành và kết nối với đầu mối Tổng cục Hải quan. Các nước ASEAN cũng thực hiện “Cơ chế một cửa quốc gia” và sẽ kết nối với nhau để hình thành Cơ chế một cửa ASEAN.

AEC được hình thành sẽ mang lại những cơ hội mở rộng thị trường với khu vực kinh tế hơn 600 triệu người dân và tổng GDP hằng năm đạt gần 3000 tỷ USD. Hàng rào thuế quan được loại bỏ, các hàng rào phi thuế quan được cắt giảm sẽ giúp hàng hóa, dịch vụ, vốn, lao động lưu chuyển thông thoáng hơn, tạo tiền đề nâng cao sức mạnh kinh tế của khu vực ASEAN.

Thị trường khu vực liên kết là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế trên cơ sở khai thác các lợi thế khu vực, giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Đây là cơ hội để các nước như Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, thực hiện các mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bên cạnh đó, những nỗ lực của ASEAN về tự do hóa đầu tư thông qua Hiệp định Đầu  tư toàn diện ASEAN sẽ làm tăng tính hấp dẫn của thị trường ASEAN đối với các nhà đầu tư trong khối cũng như từ các nước đối tác. Đây là cơ hội để tăng cường thu hút các luồng đầu tư có chất lượng, phù hợp với nhu cầu phát triển đất nước, là cơ hội để các doanh nghiệp có năng lực đẩy mạnh đầu tư ra các nước ASEAN.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho rằng, đang có những khó khăn và nếu không giải quyết triệt để những vấn đề này thì tiến trình hình thành AEC, hiệu quả thực hiện AEC sẽ bị ảnh hưởng. Theo báo cáo của Ban Thư ký ASEAN thực hiện năm 2012, có tới 76% người dân không hiểu rõ về AEC cũng như chỉ có 55% doanh nghiệp có hiểu biết cơ bản về AEC. Vì vậy, các nước thành viên ASEAN phải dành nguồn lực cần thiết để đảm bảo thực thi các biện pháp AEC còn lại vào cuối năm 2015 và tuyên truyền hiệu quả về AEC 2015 cho tất cả các bên liên quan của ASEAN.

Nguồn: Báo Công thương

Bình luận của bạn