Việt Nam và kỳ vọng 2016
Cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong năm 2015, đồng thời chỉ rõ những khó khăn, thách thức mà Việt Nam cần phải vượt qua để có thể cất cánh trong những năm tới.
Ngân hàng Thế giới:
Không kể Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng khu vực Ðông Á năm 2015 là 4,6%, tương đương mức 2014, do tăng trưởng các nước xuất khẩu nguyên vật liệu (trong đó có Indonesia và Malaysia) chậm lại, nhưng được bù đắp bởi tăng trưởng nhanh tại Việt Nam và mức độ khôi phục phần nào tại Thái Lan…
Kinh tế Việt Nam đã đối phó khá tốt trước những biến động môi trường kinh tế bên ngoài nhờ tăng cầu nội địa và ngành công nghiệp chế tạo định hướng xuất khẩu đạt kết quả tốt. Tỷ lệ lạm phát thấp và niềm tin của người tiêu dùng cải thiện đã thúc đẩy tiêu dùng cá nhân. Ðầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như chi đầu tư phát triển của Chính phủ gia tăng.
Tín dụng ngân hàng tăng trưởng trở lại. Chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh lạm phát thấp, chỉ số giá tiêu dùng đang ở mức thấp kỷ lục. Việt Nam đã cải thiện đôi chút thứ hạng môi trường kinh doanh từ vị trí 93 lên 90 trong số 189 nền kinh tế.
Năm 2015, Chính phủ đạt tiến bộ về cải thiện môi trường kinh doanh với việc ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP/2015, qua đó giảm thời gian nộp thuế xuống còn 121,5 giờ, và giảm đáng kể thời gian làm thủ tục xuất, nhập khẩu xuống còn lần lượt 13 và 14 ngày. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn đang xếp dưới mức trung bình của các nước trong nhóm ASEAN-4, trong đó nổi lên vấn đề chậm hoàn thiện khung thể chế, cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh.
Triển vọng trung hạn của kinh tế Việt Nam được đánh giá là tích cực. Cầu nội địa mạnh hơn, xuất khẩu vẫn được duy trì, cùng với lạm phát thấp và niềm tin được củng cố đã tạo cơ sở vững chắc cho tăng trưởng trong kỳ trung hạn của Việt Nam. Trong số các nước thành viên Hiệp định Ðối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam là nền kinh tế có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất và được đánh giá là có nhiều lợi thế tương đối trong các ngành chế biến, chế tạo sử dụng nhiều lao động. TPP được dự báo giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu cũng như dịch chuyển thương mại. Ðây là yếu tố quan trọng vì hàng Việt Nam được dự báo thay thế ngày càng nhiều hàng Trung Quốc xuất khẩu vào các thị trường TPP, cụ thể là Mỹ và Nhật Bản…
Ðại sứ quán Mỹ:
Mỹ và Việt Nam mở ra một chương mới trong lịch sử hai nước khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm thủ đô Washington. Ðây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản Việt Nam sang Mỹ kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 20 năm.
Trong hai thập niên qua, Việt Nam đã đưa hàng triệu người dân thoát khỏi đói nghèo thông qua những cải cách theo hướng kinh tế thị trường và đã đạt được những tiến bộ cụ thể hướng tới một xã hội cởi mở hơn.
Việt Nam đã hội nhập vào cộng đồng quốc tế và đang trở thành một đối tác toàn cầu tích cực và xây dựng, trong khi người dân có không gian rộng lớn hơn để tự quyết định về cuộc sống và công việc của mình. Mỹ và Việt Nam đã hợp tác trên nhiều lĩnh vực quan trọng: từ an ninh hàng hải, cứu trợ thảm họa, cho đến bảo vệ động vật hoang dã và giáo dục.
Liên minh châu Âu:
Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) sẽ góp phần phát triển kinh tế và xã hội của cả hai bên thông qua việc tăng cường tiếp cận thị trường của mỗi bên. Hiệp định cũng sẽ mang lại một làn sóng đầu tư chất lượng cao từ cả hai phía, hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, thông minh và có sức cạnh tranh hơn.
Việt Nam là một thị trường có tiềm năng lớn. Với dân số 93 triệu người, cùng với sự gia tăng sức mua và lực lượng lao động trẻ và năng động, Hiệp định sẽ mang lại cho EU những cơ hội lớn hơn đối với xuất khẩu nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Hơn nữa, Hiệp định còn là một dấu mốc quan trọng đối với tổng thể quan hệ thương mại ASEAN - EU, hướng tới mục tiêu cuối cùng là xây dựng một hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và EU.
EU hoan nghênh quá trình cải cách thể chế pháp luật đang diễn ra ở Việt Nam, khởi đầu là Hiến pháp năm 2013, trong bối cảnh đó, EU sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cải cách này, phù hợp với khuyến nghị của Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát đã được Việt Nam chấp thuận.
EU sẽ tiếp tục đóng góp vào các nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, đặc biệt trong các lĩnh vực giảm nghèo, y tế, tư pháp và pháp quyền, giáo dục chất lượng cao, quản lý tài chính công, năng lượng bền vững, môi trường và cơ sở hạ tầng…