XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH MAY MẶC VIỆT 2016

“Quần áo có chất lượng cao và hợp mốt nhưng giá cả phải chăng,” triết lý khởi nghiệp của Erling Persson (1917-2002) – cha đẻ thương hiệu thời trang H&M (Hennes Mauritz) – có vẻ như là ứng nghiệm không thể… tuyệt vời hơn cho thị trường may mặc Việt Nam. Không dễ kiếm một quốc gia nơi mọi tầng lớp dân chúng có thể dễ dàng sở hữu một sản phẩm may mặc thời trang có “tầm cỡ” quốc tế với giá… “hợp lý” đến vậy.

Một thực tế đang cho thấy, hàng may mặc trong nước đang dần chiếm ưu thế trong phân khúc giá rẻ. Nhưng với việc từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng “vô tư” sử dụng nhãn mác bừa bãi sẽ khiến ngành sản xuất may mặc, vốn là lợi thế của quốc gia đứng trước nguy cơ bị đánh “chìm” trước ngưỡng cửa hội nhập đầy thách thức.

Sản phẩm thời trang phân khúc khách hàng bình dân đang được các chủ xưởng may gia công quần áo trong nước khai thác triệt để.

Bà Trần Thị Kế, Sóc Sơn, Hà Nội một chủ kinh doanh quần áo nhỏ chia sẻ: “ Hàng may mặc giá rẻ của Việt Nam bây giờ tốt hơn so với hàng Trung Quốc và giá cả rất cạnh tranh. Mỗi bộ quần áo bán lẻ khoảng 110.000 đồng-120.000 đồng, đường kim mũi chỉ cẩn thận, thiết kế đẹp, trong khi trước đây, một bộ quần áo như vậy là hàng Trung Quốc thì giá phải trên 150.000 đồng/bộ.”

Anh Nguyễn Mạnh Cường, một chủ xưởng may gia công quần áo tại Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp may mặc trong nước tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu tồn kho từ Trung Quốc với giá chỉ bằng một phần ba so với giá bán thông thường.

Anh Cường tiết lộ, vải thanh lý có thể mua theo các mức giá 20.000 đồng-35.000 đồng/kg (khoảng 2,5m-3m khổ rộng 1,5 m). Sản xuất đại trà, một sản phẩm váy cần khoảng 1m vải, cộng công thiết kế, cắt, may, đóng gói, tem mác… ra giá thành ra khoảng 30.000 đồng-40.000 đồng/sản phẩm.

“Với giá thành sản xuất trong nước, hàng giá rẻ Trung Quốc không còn lợi thế cạnh tranh như trước đây nữa bởi phải cộng chi phí vận chuyển, lộ phí … Rất dễ quan sát, chỉ cần lên tới các chợ cửa khẩu biên giới, hoạt động thương mại buôn bán quần áo may sẵn khá ảm đạm, không khí sầm uất trước đây đã không còn.”

Anh Mai Đình Dũng, một chủ kinh doanh trên chợ Đồng Xuân cho biết, gia đình anh kinh doanh quần áo Trung Quốc hàng chục năm nay, tuy nhiên tới thời điểm này, anh đã chuyển hẳn sang lấy hàng từ các xưởng may gia công quần áo trong nước.

“Giá cả, chất liệu, chất lượng và cả mẫu mã rất đa dạng, hàng trong nước hiện bán khá chạy nên cũng phải xoay chuyển. Kinh doanh không thể cứng nhắc mà phải chớp thời cơ,” anh Dũng kết luận.

Bình luận của bạn