Xử lý nghiêm cơ sở giết mổ bơm nước và dùng búa đập chết gia súc
Hiện nay công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trong sản xuất tồn tại rất nhiều bất cập. Trong đó, việc bơm nước và dùng búa đập chết gia súc trước khi giết mổ là những hành vi không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn thực phẩm mà còn có biểu hiện của văn hóa ứng xử, đang gây nhiều bức xúc với dư luận trong nước và quốc tế.
Để ngăn chặn các hành vi trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gửi công văn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố Trung ương chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan khẩn trương kiểm tra, có ngay các giải pháp kiểm soát cũng như hướng dẫn để các cơ sở giết mổ vật nuôi áp dụng quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm và đối xử nhân đạo với gia súc.
Trước đó, trong những tháng đầu năm 2015, các phương tiện thông tin đại chúng đã liên tục phản ánh việc bơm nước vào gia súc trước và sau khi giết mổ tại một nhiều địa phương trên cả nước như Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Cà Mau, Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Quảng Nam...
Gần đây nhất, ngày 14/5, Chi cục Thú y tỉnh Tây Ninh cho biết đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính ông Huỳnh Văn Diện (35 tuổi, ngụ Thuận Đông, xã Lợi Thuận, Bến Cầu) và ông Lê Văn Sĩ (31 tuổi, ngụ ấp A, xã Tiên Thuận, Bến Cầu) mỗi trường hợp 5,5 triệu đồng về hành vi gian lận bơm nước vào gia súc để tăng trọng lượng, hưởng chênh lệch.
Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, việc bơm nước vào gia súc là hành vi gian lận thương mại nhằm trục lợi bất chính, gây thiệt hại kinh tế cho người tiêu dùng. Hành vi này đồng thời làm cho thịt gia súc bị ô nhiễm vi sinh vật, gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Do đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố Trung ương cần chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý cũng như nghiêm cấm các cơ sở giết mổ, bơm nước và dùng búa đập chết gia súc ở trên địa bàn.
"Theo quy định của Chính phủ (tại Nghị định số 119/2013/NĐ-CP ngày 9/10/2013), cá nhân có hành vi đưa nước vào động vật trước và sau khi giết mổ sẽ bị phạt tiền từ 5-6 triệu đồng, và phải chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm động vật làm thức ăn chăn nuôi đối với hành vi bơm nước nêu trên.
Tổ chức có hành vi đưa nước vào động vật trước và sau khi giết mổ sẽ bị phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân."
Theo Vietnam+