Xuất khẩu dệt may, da giày sang Australia: Tận dụng cơ hội
Thị trường Australia hiện có nhu cầu cao về mặt hàng da giày, dệt may. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh xuất khẩu (XK) sang thị trường này không dễ do yêu cầu chất lượng sản phẩm cao, đơn hàng nhỏ và nhà máy buộc phải có chứng nhận của tổ chức kiểm định chất lượng.
Yêu cầu cao
Từ năm 2014-2016, kim ngạch XK hàng dệt may của Việt Nam sang thị trường Australia tăng 60%, da giày tăng tới 90%. Việt Nam hiện đứng thứ 2 và thứ 5 trong các nước XK sản phẩm giày dép, may mặc vào Australia.
Bà Julie Holt - Giám đốc Tập đoàn Hội nghị và triển lãm quốc tế Australia - cho biết: Mặc dù là thị trường nhỏ, dân số ít hơn Mỹ và EU nhưng do thu nhập trung bình cao nên người tiêu dùng Australia rất chịu chi, cởi mở đối với hàng hóa nhập khẩu. Đây là yếu tố thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) Việt đẩy mạnh XK sang thị trường này.
Là DN đã có thâm niên hơn 10 năm XK sản phẩm áo lót, khăn làm từ chất liệu cotton sang Australia, theo bà Trần Thị Vân – đại diện Công ty Dệt kim Đông Xuân, xét về mẫu mã cũng như chất lượng sản phẩm, DN trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được, giá đơn hàng cũng tương đối ổn định. Tuy nhiên, việc tiếp cận thị trường không dễ. Australia cũng nhập khẩu rất nhiều sản phẩm từ các nước châu Á - Thái Bình Dương, do đó, hàng Việt Nam phải chịu sức ép cạnh tranh rất lớn.
Ông Trần Văn Quyến - Tổng Thư ký Hội len Việt Nam - chia sẻ: Chính sách thương mại và thuế của Australia khá minh bạch nhưng hàng rào phi thuế quan rất chặt chẽ.
"Sản phẩm dệt may, da giày Việt Nam có mặt tại thị trường Australia khá nhiều nhưng nhà nhập khẩu chưa thấy DN trực tiếp mang hàng sang trưng bày nên chưa tạo được lòng tin với người tiêu dùng" - ông Trần Văn Quyến thông tin.
Cạnh tranh bằng chất lượng
Tiềm năng XK của Việt Nam sang Australia được nhận định còn rất lớn khi Việt Nam chỉ chiếm 1,6% tỷ trọng trong tổng giá trị nhập khẩu của thị trường này. Các chuyên gia thương mại cũng khuyến cáo, cơ hội để hàng Việt tiếp cận thị trường Australia rất lớn nhưng ngược lại yêu cầu cũng khắt khe. Do vậy, DN cần đạt các tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và cạnh tranh được với hàng hóa đến từ nhiều quốc gia khác.
Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao hệ thống quản lý chất lượng của nhà máy sản xuất bằng cách đạt được những chứng nhận quốc tế và tuân thủ các tiêu chuẩn về thuốc bảo vệ thực vật, phẩm màu, phụ gia. Có thể mời chuyên gia kiểm soát chất lượng sản phẩm và công nhân lành nghề của Australia đến Việt Nam làm việc theo hợp đồng có thời hạn để vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời tìm hiểu thông tin thị trường. DN cũng cần tận dụng những thỏa thuận trong Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Australia/New Zealand, đề xuất với phía Australia áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ nhằm vừa tiết kiệm được thời gian và chi phí, vừa tăng tỷ lệ tận dụng C/O trong xuất khẩu hàng hóa.
Về phía cơ quan quản lý, cần giúp DN nâng cao năng lực ứng phó với hàng rào phi thuế quan của Australia bằng cách xây dựng hệ thống chứng nhận đạt chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng từ trung ương tới địa phương…