Xuất khẩu giày dép: Một năm ổn định

Những hiệp định thương mại tự do đã và sắp được ký kết đang tạo ra hiệu ứng tích cực, giúp ngành Da giày về đích vượt mục tiêu, đồng thời mở ra triển vọng tốt cho xuất khẩu giày dép năm 2016.

Về đích sớm

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân- Tổng Thư ký Hiệp hội Da- Giày- Túi xách Việt Nam (Lefaso)- ngành Da giày có một năm phát triển ổn định. Năm 2015, ngành hoàn thành sớm kế hoạch xuất khẩu 14,5 tỷ USD. Tất cả các thị trường, trong đó có thị trường xuất khẩu truyền thống như: Mỹ, EU, Nhật Bản… tốc độ tăng trưởng tốt. Đặc biệt, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng vượt bậc, đạt khoảng 600 triệu USD.

Giày dép Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh do chi phí nhân công của quốc gia này tăng cao. Ngoài ra, đồng nhân dân tệ phá giá cũng tạo sức ép cho doanh nghiệp (DN) sản xuất gia công tại Trung Quốc. Do đó, nhiều nhà đầu tư đã chuyển dịch sản xuất giày dép, chủ yếu là giày thể thao, giày vải, giày da sang Việt Nam và nhập khẩu ngược trở lại Trung Quốc.

Ông Nguyễn Hữu Anh- Phó giám đốc Phong Châu Group- chia sẻ: 3 năm trước, Phong Châu đã chuẩn bị cho hội nhập kinh tế quốc tế nên chủ động mở rộng thị trường. Ngoài thị trường truyền thống Bắc Mỹ, Tây Âu, Phong Châu đã khai thác được một số thị trường mới như: Thái Lan, Nhật Bản. Các thị trường mới giúp xuất khẩu giày dép năm 2015 của DN tăng trưởng 5-7%. Về Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), theo ông Nguyễn Hữu Anh, mỗi quốc gia có thế mạnh và điểm yếu riêng, nếu biết khai thác, DN da giày trong nước hoàn toàn có thế cạnh tranh.

Bên cạnh đó, năm 2015, cùng với xu hướng chuyển dịch sản xuất về vùng nông thôn nhằm tận dụng nguồn lao động, quy mô sản xuất, sản lượng của ngành đã tăng nhanh. Thu hút đầu tư nước ngoài nhộn nhịp. Nhiều DN Nhật Bản, Đài Loan đổ vốn xây dựng nhà xưởng sản xuất với quy mô lớn.

Cơ hội trong năm 2016

Bà Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã ký kết, Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp thông qua, AEC chính thức có hiệu lực… là những yếu tố tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của ngành Da giày. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của ngành năm 2016, dự kiến đạt 15-20% so với năm 2015.

Bà Xuân phân tích: Khi EVFTA có hiệu lực cũng là thời điểm Việt Nam kết thúc thời gian được hưởng ưu đãi theo Quy chế GSP. Từ năm 2014, khi được hưởng ưu đãi GSP xuất khẩu giày dép của Việt Nam vào EU đã tăng trưởng tới 20%. EVFTA hấp dẫn hơn với đa phần các dòng thuế giảm về 0%, tạo đà tốt hơn cho xuất khẩu giày dép vào EU, mức tăng trưởng dự kiến khoảng 20-30%.

Các hiệp định thương mại tự do mang lại cơ hội lớn cho xuất khẩu giày dép nhưng cũng tạo sức ép không nhỏ lên DN. Ngay trong năm 2015, thị trường xuất khẩu giày dép lớn của Việt Nam đã dựng một loạt hàng rào phi thuế quan như: Thay đổi đạo luật REACH, tiêu chuẩn về formaldehyd và azo cho sản phẩm da thuộc của EU, yêu cầu về trách nhiệm xã hội… Hàng rào phi thuế quan này sẽ tiếp tục gây khó cho các DN.

Năm 2016, DN trong nước sẽ phải đóng phí bảo hiểm theo mức lương thực trả cho người lao động; chi phí logictics, phụ phí về tàu cảng cũng tăng, sự thay đổi trong việc kê khai hải quan điện tử… cũng là những trở ngại không nhỏ.

Để hỗ trợ DN vượt qua những khó khăn, Lefaso sẽ cập nhật sự thay đổi trong chính sách, quy định mới, cung cấp kịp thời cho DN; hỗ trợ DN tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; tổ chức đào tạo và kết nối DN với các tổ chức tín dụng để mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Bình luận của bạn