Xuất khẩu hàng nông nghiệp: Chớp thời cơ
Trong thành công của xuất khẩu (XK) năm 2017, có đóng góp của nhóm hàng nông, thủy sản.
Góp vào thành công
Kim ngạch của nhóm này là 25,9 tỷ USD, tăng 16,9% so với năm 2016, nếu cộng cả XK gỗ và sản phẩm gỗ (lâu nay được tính là hàng nông nghiệp (NN) vì có nguồn gốc lâm sản, được sản xuất nhiều ở làng nghề, bằng lao động nông nhàn), thì tổng kim ngạch của Nhóm hàng NN là 33,5 tỷ USD tăng 15 % so với 2016. Kết quả đó được trân trọng.
Quy mô vẫn nhỏ
Song niềm vui không trọn vẹn. Quy mô XK hàng NN vẫn nhỏ lại được đánh đổi bằng quá nhiều nhọc nhằn, rủi ro. So với 10 năm trước – 2007 Việt Nam gia nhập WTO, tổng kim ngạch XK của cả nước năm 2017 gấp 4,4 lần, song XK hàng NN chỉ gấp 2,7 lần. Riêng chè vẫn ì ạch, kim ngạch 10 năm trước - 2007 là 131 triệu USD đến năm 2017 chỉ lên 229 triệu USD, thấp tì về tỷ lệ tăng, nhỏ xíu về trị giá cùng tỷ trọng.
Nhóm hàng NN gồm 10 mặt hàng, song kim ngạch XK chỉ bằng 74% một mặt hàng điện thoại (năm 2017 đạt 45 tỷ USD). Để có chừng ấy kim ngạch (33,5 tỷ USD) phải huy động hàng chục triệu lao động, quần quật bốn mùa, dầu dãi nắng mưa, thấp thỏm canh chày. Hàng NN XK với khối lượng khổng lồ, chỉ tính 5 mặt hàng có thống kê số lượng là hạt điều + cà phê + chè + gạo+ sắn+ cao su, đã tới 14,9 tiệu tấn, trong khi XK hàng chục tỷ USD điện thoại, nhẹ tênh.
Đã đành mọi sự so sánh đều khập khễnh nhưng buộc phải nhắc đến điều này để muốn khêu lại sự nhàm chán hàng chục năm qua là XK nông phẩm vẫn “kiên trì” với gánh hàng thô, lổn nhổn cấp loại, phẩm cấp thấp, không an toàn, thương hiệu cho người khác “mượn”... Yếu điểm này là cái huyệt mà đối tác luôn tận dụng để “điểm”: ép cấp, ép giá, trả về, “tặng” thẻ vàng...
XK hàng NN vẫn còn căn bệnh kinh niên “tăng trưởng nóng” mà cà phê, hạt điều từng nhiễm, nay lây đến hạt tiêu. Năm 2017, số lượng XK hạt tiêu tăng 20,9% nhưng kim ngạch lại giảm 21,7%, chính là do đỏng đảnh thị trường song do cả việc ồ ạt tăng diện tích nhưng chăm bón, phòng trừ dịch bệnh bất cập dẫn tới chất lượng chưa tương xứng. Năm 2017 hạt tiêu vẫn trong TOP XK 1 tỷ USD trở lên, nhưng việc thua năm 2016 được dự báo sớm.
XK hàng NN tiềm ẩn rủi ro vì chủ yếu vẫn ”chui” qua cửa khẩu biên mậu vào Phía Bắc, nhất là gạo, mủ cao su, rau quả tươi, lợn sống, thủy sản tươi... Hàng năm, đến hẹn thu hoạch rộ lại… dính
Nhập khẩu hàng nông nghiệp tăng…cũng khá
Trong năm 2017 đã NK thủy sản + hạt điều + lúa mỳ + ngô + đậu tương+ sữa và sản phẩm từ sữa + dầu mỡ động thực vật + rau quả + gỗ và sản phẩm gỗ + cao su các loại, tổng kim ngạch tới 13,6 tỷ USD. Thủy sản XK được 8,3 tỷ USD, thì phải nhập 1,4 tỷ USD thủy sản nguyên liệu. XK được 3,5 tỷ USD hạt điều thì phải NK 2,5 tỷ U SD hạt điều. Ta có nhiều vùng trồng ngô, không chỉ ở nơi đất cằn sỏi đá mà cả đồng bằng, và đã đưa đủ thứ tiến bộ công nghệ sinh học, quy trình sản xuất tân tiến vào, song năm 2017 phải nhập 7,8 triệu tấn ngô ngốn 1,5 tỷ USD. Cao su năm 2017 XK 1,4 triệu tấn mủ được 2,2 tỷ USD, nhưng phải NK cao su các loại tới 1 tỷ USD. Gỗ rừng đã trụi, nguồn NK cạn dần, bất luận từ nguồn nào cũng lo giải trình xuất sứ.
Thành công của rau quả kết tinh bao nỗ lực, song năm 2017 phải NK rau quả tới 1,5 tỷ USD, tăng 68% so với năm 2016 (cũng so với 2016, XK rau quả năm 2017 chỉ tăng 43%). Việc NK rau quả phải miễn cưỡng xếp trong mục “Hàng nhập khẩu cần phải kiểm soát” dù biết có trùng điệp lực lượng, lưới rào kiểm tra cũng không thể kiểm soát nổi.
Trong thế giới phẳng không thể dựng hàng rào ngăn nông phẩm ngoại vào, nhất là thời nay lớp người khá giả vừa e ngại về hàng nội, muốn sơi thứ lạ miệng, lại yên dạ. Đã thế, trồng trọt theo “tâm lý đám đông”, cứ đến hẹn lại vang lên điệp khúc ”Được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Nguy cơ nông phẩm nội bị chèn ép sẽ tăng theo đà hội nhập, các FTA đến hạn. Hàng Tây xịn, hàng Tàu ngâm tẩm bí ẩn như nước lũ tràn về.
Còn phải NK nhiều hàng phụ trợ cho sản xuất NN như thức ăn gia súc và nguyên liệu + nguyên phụ liệu thuốc lá + phân bón + thuốc trừ sâu = 5,7 tỷ USD, trong đó có 4,6 triệu tấn phân bón, gần 1 tỷ USD thuốc trừ sâu.
Chỉ với NK hai nhóm hàng NN và hàng phụ trợ cho NN nói trên đã tới 19 tỷ USD, ngốn quá nửa giá trị XK hàng NN (33,5 tỷ USD). Nếu cộng cả một phần xăng, dầu, mỡ NK cũng phục vụ cho NN cùng máy móc, nông, ngư cụ từ ngoại quốc thì xuất siêu của hàng NN là chưa thuyết phục. Hàng NN khi XK và NK đều có khối lượng rất cao so với các nhóm hàng khác, trong khi logistic của Việt Nam còn thất thế thì chi phí giao nhận-vận tải lẹm vào giá XK và đội giá NK, hiệu quả của XNK hàng NN càng èo ọt.
Chớp thời cơ
Thành công của năm 2017 tạo ra thế và lực mới. Sang 2018 và các năm tiếp theo sẽ không chỉ thuận buồm, xuôi gió. Việc phát triển XK hàng NN là yêu cầu vừa trước mắt vừa lâu dài. Nước ta vẫn là quốc gia NNi; nông dân vẫn là đội quân chủ lực, nông thôn vẫn là địa bàn chiến lược. Với khí hậu nhiệt đới, gió mùa phải có nền NN hiện đại; Nhà nông phải khá giả; Gương mặt đồng quê phải sáng sủa là đương nhiên, là đòi hỏi tất yếu. Việc XK hàng NN vừa thừa hưởng kết quả vừa là động lực của tiến trình phat triển bền vững.
Để đạt mục tiêu đó phải tiếp tục tái cơ cấu ngành NN tới các nhánh trồng rọt – chăn nuôi – thủy sản – lâm nghiệp, giữa các chủng loại theo thông thổ bản địa. Bất luận sản phẩm gì phải hội đủ các tiêu chí Xanh – Sạch – An toàn, có vị thế xứng đáng, vượt mọi rào cản.
Kết quả về mở rộng thị trường dù khả quan nhưng chỉ là bước đầu. Yêu cầu của Nhà NK, người tiêu dùng không dừng lại, không châm chước. Càng thấm thiá: “Tìm được thị trường đã khó, giữ được thị trường còn khó hơn”.
Việc công nghiệp hóa NN, áp dụng công nghệ mới, phát minh mới về công nghệ sinh học, phát triển gắn liền với bảo vệ môi trường vì một hành tinh xanh không còn là chuyện của riêng ai.
Đây là cuộc hội ngộ giữa yêu cầu của thời cuộc với tiềm năng của nền NN nhiệt đới đặc thù Việt Nam đang được khơi dậy. Thời cơ lớn, song chớp được hay để vụt trôi chính là chúng ta .