Xuất khẩu tôm- Các nền kinh tế APEC Hợp tác, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu (XK) thủy sản Việt Nam (Vasep), tính đến hết tháng 7/2017, tổng giá trị XK tôm đạt 1,9 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Ngoại trừ Mỹ, giá trị XK sang các thị trường trọng điểm đều tăng trưởng tốt.

Cụ thể, Nhật Bản vươn lên là thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam trong 7 tháng đầu năm với kim ngạch đạt 383,8 triệu USD, tăng 35,2% so với cùng kỳ năm 2016. Nguyên nhân bởi nhu cầu NK thủy sản, trong đó có tôm của Nhật Bản từ năm 2016 đến nay liên tục tăng và tôm Việt Nam trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu. Chưa kể, nhiều năm gần đây, các DN XK tôm không ngừng đầu tư công nghệ chế biến, đáp ứng các điều kiện khắt khe của Nhật Bản - thị trường khó tính bậc nhất về các điều kiện kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm. Cộng với việc đồng Yên tăng giá, kim ngạch XK tôm sang thị trường này có sự tăng trưởng đáng ghi nhận. Và đây chính là "giấy thông hành" cho tôm Việt đến được nhiều thị trường khác.

Tiếp theo, EU là thị trường lớn thứ 2 của tôm Việt Nam. Giá trị XK tôm sang EU sau 7 tháng đạt 380,6 triệu USD, tăng 20,5%, trong đó, Anh và Hà Lan có mức tăng cao nhất, lần lượt đạt 49,4% và 32,7%. Trung Quốc dù chỉ xếp thứ 3 nhưng có tốc độ tăng trưởng tốt nhất với 39,8%, đạt 348,4 triệu USD. Riêng tháng 7, giá trị XK tôm Việt Nam sang thị trường này đã đạt mức tăng trưởng 3 con số với 106,3%.

Là thị trường duy nhất trong Top 10 thị trường trọng điểm của con tôm Việt Nam có kim ngạch sụt giảm, XK tôm sang Mỹ 7 tháng đầu năm đạt 344,7 triệu USD, giảm 5,5%. Theo Vasep, nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này là do tác động của việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) tăng thuế chống bán phá giá trong quyết định sơ bộ của đợt xem xét hành chính lần thứ 11 (POR11). Bên cạnh đó, đồng USD sụt giá do tác động từ các chính sách mới liên quan tới bảo hộ sản xuất trong nước của Tổng thống Donald Trump cũng khiến giá trị XK tôm sang thị trường này giảm. 

Sự phục hồi nguồn cung của thị trường Ấn Độ - đối thủ cạnh tranh chính của tôm Việt Nam trên thị trường Mỹ sau một thời gian bị dịch bệnh đã làm giảm thị phần của tôm Việt Nam, cùng việc các DN chuyển hướng XK sang các thị trường khác dễ tính hơn nên kim ngạch XK sang Mỹ giảm hơn thời gian trước. Tuy vậy, do nhu cầu tiêu thụ tôm của thị trường Mỹ được dự báo sẽ tăng vào nửa cuối năm nay nên dự kiến, kim ngạch XK tôm Việt Nam sang Mỹ trong giai đoạn này tăng so với cùng kỳ năm ngoái, dù tốc độ tăng trưởng không cao.

Bộ Công Thương khuyến cáo, Mỹ vẫn là thị trường có nhiều tiềm năng phát triển. Về lâu dài, các DN XK tôm cần có giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao chất lượng, đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, an toàn thực phẩm nhằm giữ vững và mở rộng thị phần XK tại thị trường này. 

Bình luận của bạn