Xuất khẩu tôm sẽ tiếp tục tăng mạnh những tháng cuối năm
Trong các quý 2 và 3, XK tôm đã có sự tăng trưởng mạnh. Nhờ vậy, trong 9 tháng đầu năm, kim ngạch XK tôm đã đạt 2,7 tỷ USD.
Theo VASEP, trong 9 tháng đầu năm nay, tôm vẫn là mặt hàng thủy sản đạt giá trị XK cao nhất, với kim ngạch 2,7 tỷ USD, tăng 21,4% so với cùng kỳ 2016. XK tôm đã có sự tăng trưởng mạnh liên tiếp trong các quý 2 và 3. Nếu như trong quý 1, XK tôm có sự sụt giảm, thì sang quý 2, giá trị tôm XK tăng mạnh tới 52% so với quý 1. Sang quý 3, XK tôm tiếp tục tăng 25% so với quý 2 và tăng tới 90% so với quý 1.
XK tôm đạt được những con số ấn tượng như trên, chủ yếu nhờ nhu cầu tăng từ các thị trường NK chính, giá tôm tăng trên toàn cầu, tỷ giá các đồng EUR và Yên tăng so với USD.
Trong 5 thị trường chính của tôm Việt Nam, chỉ có thị trường Mỹ là giảm giá trị XK trong 9 tháng đầu năm nay, với mức giảm 6,3%. XK tôm sang Mỹ giảm không phải do thị trường này giảm nhu cầu tiêu thụ tôm, mà chủ yếu là vì những khó khăn lớn về thuế chống bán phá giá.
Trong khi đó, XK tôm sang 4 thị trường chính còn lại đều tăng trưởng tốt. Gây ấn tượng lớn nhất là thị trường EU. Trong 9 tháng đầu năm nay, giá trị tôm XK sang EU đã đạt 583,9 triệu USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ 2016. Nhờ đó, EU đang là thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam.
XK tôm sang EU tăng trưởng tốt là do người tiêu dùng khu vực này ngày càng ưa chuộng các sản phẩm giá trị gia tăng tiện lợi cho sử dụng (sản phẩm chế biến sâu), các sản phẩm tôm sinh thái. Đây là những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế do ngành chế biến tôm Việt Nam đã phát triển mạnh, nhiều nhà máy đạt trình độ chế biến cao, đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính. Nuôi tôm sinh thái lại đang được đẩy mạnh ở nhiều địa phương.
Nhu cầu tăng mạnh tại các thị trường Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, cũng đã giúp cho XK tôm Việt Nam sang những nước này tăng trưởng mạnh. Ở Nhật Bản, nhu cầu NK thủy sản, trong đó có tôm, đã liên tục tăng từ cuối năm 2016 đến nay.
Đồng Yên Nhật tăng giá so với USD, cũng kích thích các nhà NK Nhật Bản tăng cường NK tôm. Nhu cầu tiêu thụ tôm và tiếp tục tăng lên ở Trung Quốc. Còn với thị trường Hàn Quốc, nhờ được hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Hàn Quốc, tôm Việt Nam NK vào nước này chỉ phải chịu mức thuế NK là 10%, là mức thuế thấp nhất so với tôm đến từ các nước khác: Trung Quốc 20%, Ecuador 20%, Ấn Độ 12,5%…
Với những điều kiện thuận lợi như trên, trong 9 tháng đầu năm nay, XK tôm sang Nhật Bản đạt 513,5 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái; sang Trung Quốc đạt trên 500 triệu USD, tăng 54,7%; sang Hàn Quốc (tính tới 15/9) đạt 243,2 triệu USD; tăng 29,8%.
Những khó khăn của tôm Ấn Độ tại EU, sẽ tiếp tục là cơ hội tốt cho các DN Việt Nam đẩy mạnh XK tôm sang thị trường lớn nhất hiện nay của tôm Việt Nam trong những tháng cuối năm. Bởi tại thị trường EU, Ấn Độ và Ecuador là 2 đối thủ cạnh tranh chính của tôm Việt Nam. Hiện EU đang cảnh báo có thể ngừng NK tôm Ấn Độ kể từ cuối năm nay, nếu không cải thiện về chất lượng. Nhiều nhà NK EU sẽ chuyển tiếp tục chuyển sang mua tôm Việt Nam thay cho tôm Ấn Độ.