Xúc tiến phát triển thương mại vào thị trường Australia

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nắm bắt thông tin xuất khẩu vào thị trường Australia, sáng 14/12, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng) phối hợp với Tiến Thịnh International tổ chức hội thảo “Xúc tiến phát triển thương mại và đầu tư thị trường Australia”.

Hội thảo có sự tham dự của đông đảo doanh nghiệp miền Trung đang có hoạt động xuất nhập khẩu sang thị trường Australia cũng như các doanh nghiệp có nhu cầu muốn mở rộng thị trường, xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa sang thị trường Australia.

Tại hội thảo, ông Lê Thanh Tùng - Giám đốc Công ty Tiến Thịnh International đã giới thiệu các thông tin về thị trường Australia, hoạt động xúc tiến thương mại hai chiều cũng như các yêu cầu cụ thể, thông tin đối với từng sản phẩm, mặt hàng theo tiêu chuẩn của riêng thị trường Australia. Thông tin các ngành nghề ưu tiên, khuyến khích đầu tư, thương mại tại các tiểu bang cụ thể của Australia. Theo đó, hiện nhiều tiểu bang của Australia đều quan tâm đến các vấn đề giáo dục, nông nghiệp, khoáng sản, du lịch. Tuy nhiên, để có thể trở thành đối tác xuất khẩu doanh nghiệp phải lưu ý và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn chất lượng mà Chính phủ Australia đã đưa ra.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Australia là thị trường rất tiềm năng, tuy nhiên cũng khá khó tính, đặc biệt là đối với các sản phẩm thực phẩm, đồ uống, thủy hải sản tươi sống hoặc chế biến. Doanh nghiệp để được nhập sản phẩm vào thị trường Australia cần phải lưu ý đến các chứng nhận của riêng thị trường này bởi sẽ có một đơn vị chuyên kiểm định chất lượng sản phẩm đầu vào theo tiêu chuẩn của Chính phủ Australia. Thêm một lưu ý nữa đó là, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Australia phải đảm bảo uy tín.

Ông Tùng cho biết thêm, thực tế đã có rất nhiều doanh bị từ chối hoặc mất cơ hội vào thị trường Australia do gặp vấn đề về chất lượng hoặc không đúng ngày giờ như đã cam kết. “Từ container đầu tiên không đúng ngày giờ hay chất lượng đã cam kết sẽ rất ảnh hưởng đến các container lần thứ 2. Khi không kịp ngày giờ, doanh nghiệp phải thông báo cho đối tác chứ không được vì tiến độ mà không đảm bảo chất lượng như đã cam kết”, ông Lê Thanh Tùng nói.

Ông Tùng cũng khuyến nghị các doanh nghiệp muốn tìm kiếm cơ hội vào thị trường Australia cũng nên chú ý đến mẫu mã bao bì. Mẫu mã phải có độ sắc nén, hài hòa và phù hợp với sắc thái văn hóa, thị hiếu của người tiêu dùng Australia.

Các doanh nghiệp bày tỏ quan tâm đến các thủ tục, tìm đầu mối xuất nhập khẩu sản phẩm tập trung vào các mặt hàng như thủy sản chế biến, các loại hạt gia vị, hàng lâm sản - đồ gỗ thủ công mỹ nghệ, du lịch, may mặc… Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp tham gia hội thảo đặc biệt chú ý đến các ưu đãi xuất nhập khẩu hàng hóa về Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand. Tập trung vào các nội dung như cam kết cắt giảm và xóa bỏ thuế quan rộng rãi, các quy tắc xuất xứ khu vực đối với từng sản phẩm mặt hàng.

Australia là quốc gia đứng thứ 15 trong số những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam theo kim ngạch xuất nhập khẩu cả 2 chiều với mức tăng trưởng xuất khẩu trung bình đạt 8,3%, kim ngạch thương mại 2 chiều giai đoạn 2011-2016 trung bình đạt 450 triệu USD/năm. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Australia là các sản phẩm gỗ, vật liệu nhựa, phế liệu dầu và thép; và Việt Nam xuất khẩu sang Australia chủ yếu là dầu thô, điện thoại và linh kiện, hải sản và hạt điều….

Đối với hoạt động nhập khẩu từ Australia vào Việt Nam, ông Lê Thanh Tùng chia sẻ: Có nhiều doanh nghiệp Australia cũng muốn tìm kiếm đối tác, hoặc nhà phân phối, nhượng quyền tại Việt Nam, tuy nhiên các doanh nghiệp này rất “ngại” các thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam đặc biệt là vấn đề thuế, kê khai và hải quan.

Bình luận của bạn