​Thị trường hàng hóa trước và sau Tết Mậu Tuất- Nguồn hàng ổn định, không sốt giá

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), trong dịp trước, trong và sau Tết Mậu Tuất sức mua trên thị trường tăng cao. Đặc biệt, các nhóm hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng với mức tăng 10 - 13% so với các tháng thường và 10% so với Tết Đinh Dậu 2017.

Trước Tết, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-BCTvề thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường các tháng cuối năm 2017 và dịp Tết Mậu Tuất 2018. Nhờ đó, nguồn hàng hóa cho thị trường tương đối ổn định. Cụ thể, trong quý I/2018, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chuẩn bị hơn 2,26 triệu tấn/m3 xăng dầu các loại. Cùng với lượng hàng sản xuất trong nước trong quý I ước đạt khoảng 145.000 tấn, PVN cũng nhập khẩu 150.000 tấn LPG. Các đơn vị cũng chuẩn bị 530 triệu bao thuốc lá, gần 1.450 tấn bánh kẹo các loại; trên 20.000 lít rượu vang; 131,1 triệu lít bia và 3,8 triệu lít rượu các loại... 

Theo đánh giá của Vụ thị trường trong nước, nguồn hàng dồi dào, ổn định, kinh tế phục hồi với nhiều tín hiệu khả quan giúp hạn chế tâm lý tiết kiệm trong chi tiêu của người tiêu dùng. Tại các trung tâm thương mại, siêu thị, sức mua có xu hướng tập trung ngày càng lớn do mặt hàng đa dạng, chất lượng tốt, giá cả ổn định. Tại các chợ dân sinh, hoạt động mua bán cũng khá tấp nập, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống, hoa, trái cây... 

Bên cạnh các loại hình phân phối thông thường, tại các đô thị, các mặt hàng, nhất là hàng đặc sản vùng miền, hàng nhập khẩu... được trao đổi mua bán qua nhiều kênh, nhiều hình thức đa dạng như điện thoại, internet, giao hàng tận nhà... Các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, trái cây đặc sản, trái cây nhập khẩu ngày càng phát triển mạnh với các thương hiệu như UCA mart, Home food, Big Green, Bác Tôm, Clever fruit, Luôn tươi sạch... cùng với các quầy thực phẩm lớn tại các siêu thị như Vinmart, Intimex, Fivimart, Aeon, Big C, Lotte mart... đã góp phần cung ứng cho thị trường những mặt hàng chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm. 

Vụ Thị trường trong nước cho hay, do nguồn cung khá dồi dào, đáp ứng tốt nhu cầu, sức mua không lớn nên hiện nay giá phần lớn các mặt hàng như thủy sản, rau xanh, hoa... đã giảm so với những ngày cận Tết. Đồng ý kiến với Bộ Công Thương, đại diện Bộ Tài chính cho biết, tháng 2/2018 là tháng Tết Nguyên đán, nhưng một phần do nguồn hàng của các đơn vị kinh doanh dồi dào cùng với nhiều chương trình khuyến mại giảm giá nên cơ bản giá cả thị trường không có biến động bất thường và mức độ tăng thấp hơn Tết năm trước.

Tuy vậy, sau Tết bắt đầu là thời điểm lễ hội, nhu cầu đi lại, tiêu dùng thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình, đồ mua sắm phục vụ lễ hội đầu năm có xu hướng tăng. Do đó, để tiếp tục bình ổn thị trường, giá cả trong thời gian tới, Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương chú trọng các biện pháp như: Theo dõi sát diễn biến cung - cầu, thị trường, giá cả; thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu và giá cả hàng hóa. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá gắn với thuế, phí, nhất là dịch vụ tham quan, du lịch, dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô. 

Bình luận của bạn