Hãy cân nhắc 6 điều nếu muốn đầu quân cho startup
Làm việc cho một nhà sáng lập công ty startup rất khác với làm việc cho một doanh nghiệp lâu đời.
Các nhà sáng lập có thể là những người có tầm nhìn xa, giỏi khơi gợi cảm hứng và làm cho bạn tin rằng ý tưởng – sản phẩm của họ sẽ thay đổi thế giới. Cơ hội làm việc cho một công ty có tiềm năng thành công lớn là rất hấp dẫn.
Tuy nhiên, làm việc cho một nhà sáng lập công ty startup rất khác với làm việc cho một doanh nghiệp lâu đời. Vai trò trong công việc có thể không rõ ràng, thời gian làm việc thường kéo dài và có rất nhiều áp lực. Dù đây là một công ty lớn hay nhỏ thì làm việc trực tiếp với một nhà sáng lập sẽ hàm chứa một số khó khăn không thể lường trước mà bạn nên cân nhắc trước khi quyết định nhận việc.
Bạn có thật sự phấn khích và cảm nhận được sự đồng điệu?
David H. Page, chuyên gia về phát triển kinh doanh cho các công ty startup, chia sẻ: “Bất cứ ai cân nhắc đến khả năng làm việc cho một nhà sáng lập nên tìm hiểu về mục đích của họ, quá khứ của họ trong môi trường khởi nghiệp, sự thành công và thất bại của họ, và quan trọng nhất là họ có khả năng tạo cảm hứng cho người khác hay không”.
Hãy tập hợp càng nhiều thông tin càng tốt, qua đó, bạn có thể cảm nhận được niềm đam mê, tầm nhìn, phong cách và mục tiêu của nhà sáng lập. Nếu “không đồng điệu” với người sáng lập, bạn sẽ dễ nổi cáu và dễ sinh ra mâu thuẫn khi làm việc với công ty startup này.
Khác với khi làm việc cho một tổ chức lớn, bạn sẽ phải dành nhiều thời gian để tương tác và sát cánh với một nhà sáng lập. Không chỉ có sự phấn khích đối với ý tưởng khởi nghiệp mà sự hòa hợp của bạn với họ cũng không kém phần quan trọng. Nếu như chỉ mới tiếp xúc nhau qua trò chuyện mà bạn đã cảm thấy không hợp, muốn “điên tiết” thì điều này chỉ càng thêm trầm trọng nếu như phải làm việc cùng nhau lâu dài và đặc biệt là khi làm việc liên quan đến một điều gì đó có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với họ.
Đánh giá văn hóa công ty
Các nhà sáng lập đặt ra những nguyên tắc ràng buộc, chẳng hạn như cách xử lý công việc, cách tương tác giữa đồng nghiệp với nhau và cách công ty ứng xử với khách hàng. Mỗi nhà sáng lập có cách vận hành khác nhau và bạn cần tìm hiểu rõ về văn hóa của một công ty startup trước khi gia nhập đội ngũ của họ.
Nắm rõ vai trò và trách nhiệm
“Hãy định nghĩa vai trò của bạn, nếu không, có lẽ bạn sẽ làm mọi thứ”, Marya Triandafellos, tác giả quyển sách về phát triển sự nghiệp Career X: Expert advice on how to cultivate your career, nói. Còn theo Lisa Prior, CEO của Công ty tư vấn về phát triển cá nhân và tổ chức Prior Consulting, thì cần tìm hiểu những nhiệm vụ liên quan đến vai trò của bạn và ai sẽ là người ra quyết định: “Khi làm với một nhà sáng lập, nhân viên – thậm chí là ở vị trí cấp cao – cũng có thể cảm thấy đang lâm vào cảnh bị quản lý vi mô và không tìm được phương hướng”.
Các nhà sáng lập thường không dành đủ thời gian để sắp xếp, tổ chức rõ ràng về vai trò và trách nhiệm, nhưng bạn vẫn sẽ cần có thông tin này để có thể hợp tác tốt và giúp cho doanh nghiệp của họ thành công. Hãy cố gắng nắm rõ thông tin trước khi quyết định nhập cuộc.
Lưu tâm đến tình hình tài chính của công ty
Theo lời khuyên của Marya Triandafellos, hãy cố gắng nắm rõ khả năng tài chính của công ty. Họ đủ vốn hoạt động trong một năm hay một tháng? Các dự án mạo hiểm không phải lúc nào cũng thành công nên hãy tìm hiểu về khả năng đi xa của công ty vì có lẽ bạn không muốn chỉ tồn tại hai tháng với công việc mới. Và nếu vị sếp công ty muốn giữ bí mật tài chính thì họ sẽ tiếp tục làm như thế về sau.
Có ranh giới rõ ràng trong quan hệ
Những áp lực và thời gian làm việc kéo dài có thể tác động đến ranh giới giữa sếp và nhân viên. Dù vậy, bạn phải giữ quan hệ tốt với nhà sáng lập, cần giữ sự chuyên nghiệp và tôn trọng mối quan hệ trong công việc. Đừng để cho sự căng thẳng trong quan hệ công việc lôi kéo bạn bước vào “lãnh địa riêng tư”. Hòa hợp nhau thì tốt, nhưng các công ty chỉ thành công khi tập trung vào chuyện kinh doanh.
Áp lực sẽ rất cao
Các nhà sáng lập của công ty startup sẽ đi rất nhanh và thường một lúc làm nhiều việc. Vì thế bạn cần theo kịp tốc độ của họ. Áp lực tài chính ở các công ty này cũng rất cao. “Dù cho đó là tiền túi của các nhà sáng lập hay là tiền của nhà đầu tư thì cũng cần phải tạo ra doanh thu và việc này sớm trở thành ưu tiên” – nhà khởi nghiệp hàng loạt Judge Graham nói.