Khởi nghiệp không dành cho những tay mơ
Là một người trẻ, có hoài bão và đam mê công nghệ sản xuất nông nghiệp, ông Nguyễn Hữu Tú có những bước chuẩn bị rất bài bản để bắt đầu con đường khởi nghiệp của mình. Sau khi tốt nghiệp ĐH Vinh, ông dành một năm sang Israel để nghiên cứu về ngành nông nghiệp công nghệ cao của nước này. Ông Tú mong muốn tạo ra một vùng nông nghiệp theo phương pháp canh tác của Israel. Tuy nhiên, cũng như nhiều người trẻ hoài bão khác, ông Tú chưa tích lũy đủ vốn để thực hiện ước mơ. Trở về ông hăng hái tìm thêm vốn ở các cuộc thi khởi nghiệp. Là dự án khởi nghiệp (startup) đầu tiên ở Nghệ An, ông vinh danh quê hương với giải Nhất một cuộc thi khởi nghiệp tổ chức vào tháng 1-2013.
Sai một li, đi cả vườn rau
Kỳ vọng vào nguồn vốn đến từ tiền thưởng nhưng do ban tổ chức chậm giải ngân, ông Tú không thể triển khai dự án trồng rau công nghệ cao như đã dự định. Án theo thời tiết ở Nghệ An, trồng rau vào mùa xuân là thích hợp nhất. Tuy nhiên, dự án của ông Tú đói vốn, buộc phải đợi tiền thưởng. Tiền thưởng đến chậm nửa năm sau nhiều lần phải đi đòi. Vào tháng Năm trở đi, thời tiết rất thất thường, khi thì nắng gắt làm khô héo rau trồng, khi thì mưa lớn trôi mất hoa màu, có khi còn có thiên tai. Ông Tú biết là trễ nhưng đến tận lúc ấy ông mới đủ tiền để bắt tay vào làm. Tuy nhiên, ông Tú sử dụng kỹ thuật trồng rau không dùng phân bón nên rau không đủ mạnh để đối chọi với thời tiết khắc nghiệt. Năng suất vườn rau gần như bằng không. Sau vài đợt mưa lớn, ông Tú buộc phải gieo lại giống từ đầu. Chỉ cần một lần như vậy, tiền dành cho dự án lại hụt, ông Tú lại vay mượn để nuôi sống vườn râu của mình. Tuy nhiên, dự án không kịp sinh lời trong khi số nợ lại nhanh chóng lên cao ngoài sức chi trả của ông.
Dự án khởi nghiệp đầu tiên thất bại, ông Tú đành đầu quân vào một công ty nước ngoài nhiều nguồn lực tài chính hơn để áp dụng công nghệ trồng rau mới của mình và kiếm tiền trả nợ. Hồi tưởng lại quá trình khởi nghiệp, ông Tú cho rằng người trẻ không nên nóng vội, cần chờ có đủ nguồn lực trước khi định khởi nghiệp. Nếu chờ nguồn vốn hỗ trợ từ bên ngoài, dù là từ các quỹ đầu tư hay từ nhà nước thì dự án đều dễ đi chệch khỏi sự kiểm soát của người chủ. Ngoài ra, các nhà đầu tư sẽ đòi hỏi thời gian hoàn vốn và các ràng buộc liên quan đến pháp lý xung quanh việc rót vốn.
Bản thân ông Tú cũng phải đi làm để trả nợ cho dự án của mình khi mà các nhà đầu tư không chia sẻ rủi ro và đòi lại đòi lại vốn khi dự án chưa kịp sinh lãi. Lần khởi nghiệp thất bại cũng giúp ông Tú rút ra kinh nghiệm đắt giá từ việc quản trị dự án, điều mà đáng lẽ ra ông phải có từ trước khi bắt tay vào khởi nghiệp.
Chuẩn bị cho ước mơ
Theo ông Vũ Tuấn Anh, chuyên gia về nhân sự và khởi nghiệp, một số bạn bước vào khởi nghiệp mà không chuẩn bị kỹ cho mình các kỹ năng quản trị và điều hành dự án, đặc biệt kỹ năng quản trị tài chính và dòng tiền doanh nghiệp, nên rất dễ vấp phải thất bại. Khi phong trào khởi nghiệp trong nước đang rất mạnh mẽ, một số người nghĩ rằng việc khởi nghiệp là trong tầm với. Khi bắt tay vào làm thì họ mới nhận thấy điều hành dự án là một việc không dễ chút nào.
Chỉ nói riêng chuyện chi phí, người chủ dự án cần phải nắm rõ hàng ngàn những khoản chi. Trong đó, không thể thiếu những mục quan trọng như chi phí thuê và vận hành mặt bằng, văn phòng, chi phí thành lập công ty, chi phí mua trang thiết bị, chi phí tiếp thị bán hàng, chi phí hoàn thiện sản phẩm dịch vụ và chi phí vận hành.
Trong các loại chi phí đó, chi phí hoàn thiện sản phẩm và dịch vụ đòi hỏi nguồn vốn lớn hơn nhiều so với hình dung của nhiều người. Ví dụ, một nhóm startup về khóa thông minh cần làm ít nhất 20-30 phiên bản trước khi phiên bản cuối cùng hoàn thiện. Mỗi phiên bản như vậy tốn kinh phí từ 30-40 triệu, chỉ tính sơ như vậy đã thấy số tiền phải chi ra thật khổng lồ.
Chi phí ngốn tiền của startup nhiều không kém đó chính là chi phí xây dựng thương hiệu, tiếp thị và bán hàng. Chi phí nhân lực cũng là một khoản lớn trong chi phí vận hành. Một startup chỉ khoảng vài người tham gia mà chi đến hàng tỉ đồng mỗi năm để duy trì hoạt động là việc thường thấy.
Ông Tuấn Anh cho biết, chuyện công ty khởi nghiệp chưa có lợi nhuận nên phải tìm vốn khắp nơi rồi trở thành con nợ trầm kha là không hiếm. Khi nhìn vào con số chi phí lớn như vậy, thật không quá khó hiểu vì sao hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam lại phát triển èo uột. Đơn giản là vì việc khởi nghiệp cần nguồn vốn dồi dào.
Về chuyện vốn khởi nghiệp, có câu chuyện vui là các bạn trẻ khởi nghiệp ở Việt Nam chỉ có thể dựa trên công thức 3F để tìm là nguồn đầu tư, đó là viết tắt của ba từ tiếng Anh: Family – gia đình, Friends – bạn bè và Fools – những người ngây thơ tin tưởng vào bạn. Tuy đùa mà thật, thự tế ba nguồn là những nguồn chính giúp nhiều startup nuôi dưỡng và đạt được thành quả nhất định.
Ngoài ra, ông Vũ Tuấn Anh nhận định các startup nên xác định rõ mình cần gì để mình chi tiêu cho chính xác và hiệu quả. Theo ông, các bạn trẻ cần lên kế hoạch càng chi tiết càng tốt và cần sâu sát hơn nữa trong việc triển khai, nếu không muốn khởi nghiệp hôm trước mà… sạt nghiệp hôm sau.