Bùng nổ livestream bán hàng (bài 1): Làn gió mới giúp doanh nghiệp vượt khó

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sức mua sụt giảm mạnh, việc bán hàng qua livestream đã thổi một làn gió mới giúp doanh nghiệp trụ vững qua khó khăn.

Những kết quả bước đầu…

Mua sắm trực tuyến dần quen thuộc với nhiều người giúp bán hàng đa kênh trở nên phổ biến. Khi hoạt động mua bán, chốt đơn hàng qua mạng càng gia tăng thì các sàn thương mại điện tử cũng tăng cường thêm tính năng hỗ trợ người bán. Trong đó có xu hướng mua hàng kết hợp giải trí qua các cuộc phát sóng trực tiếp (livestream).

Tại Việt Nam, livestream bán hàng trên các sàn thương mại điện tử đã xuất hiện từ năm 2018. Tuy vậy, mãi đến năm 2022, khi video ngắn bắt đầu được ưa chuộng, nhiều bên tập trung phát triển thêm tính năng livestream giúp nhà bán hàng tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng ở mọi nơi. Đặc biệt, từ năm 2023, việc livestream bán hàng mới thực sự trở nên sôi động và thu hút nhiều người tham gia ở cả phía người mua và người bán. Thậm chí, các sở, ngành tại nhiều địa phương còn hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng lên sàn.

Bùng nổ livestream bán hàng: Bài 1 - Làn gió mới giúp doanh nghiệp vượt khó

Livestream bán hàng ngày càng bùng nổ tại Việt Nam

Điển hình như tại TP. Hồ Chí Minh, thời gian qua, chính quyền thành phố đã liên tục có các hoạt động hỗ trợ tiểu thương, doanh nghiệp livestream bán hàng và thu được nhiều kết quả tích cực. Theo đó, trong 5 ngày (từ 11 đến 16/12/2023), hơn 100 KOL, người nổi tiếng được Ban quản lý chợ Bến Thành, quận 1 mời đến để livestream bán hàng cùng tiểu thương. Kết quả là tiếp cận 81,6 triệu người, chốt được 18.200 đơn trị giá 4,2 tỷ đồng. Đến nay, một số tiểu thương tại chợ Bến Thành vẫn tiếp tục duy trì livestream bán hàng. Vào mùa cao điểm Tết Nguyên đán vừa qua, chủ sạp mứt kẹo Ngọc Châu cho hay lượng khách mua sắm qua online duy trì ổn định và tiếp tục tăng. Hay cuối tháng 1/2024, "Ngày hội Mua sắm Tết TP. Hồ Chí Minh - Chợ Thủ Đức trực tuyến" chốt được 17.000 đơn qua hình thức bán livestream.

Sau những sự kiện có tiếng vang này, tiểu thương tại các chợ khác như: Bình Tây (quận 6), Tân Bình (quận Tân Bình)… cũng tập tành bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, YouTube, TikTok… và bước đầu thu về kết quả nhất định.

Thổi làn gió mới trong bối cảnh khó khăn

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sức mua sụt giảm mạnh, việc bán hàng qua livestream đã thổi một làn gió mới giúp doanh nghiệp trụ vững qua khó khăn.

Nói về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp khi thực hiện livestream, ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu (chuyên sản phẩm cà phê nông sản Meet More)- chia sẻ: Tháng 10/2023, Meet More Coffee bắt đầu tham gia bán hàng livestream thông qua chương trình Chợ phiên OCOP - Chiến dịch quảng bá nông sản đặc sản tại huyện Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh) và sự kiện Ngày hội mua sắm, giải trí trực tuyến TP. Hồ Chí Minh 2023 - Khám phá, trải nghiệm và mua sắm tại chợ di sản Bến Thành trong tháng 12/2023. Kết quả từ những đợt bán hàng này rất khả quan, trong đó chỉ tính riêng dịp Tết vừa qua, có ngày Meet More chốt được tới 500-600 đơn hàng thông qua bán hàng livestream. Đây là kết quả mà bán hàng trực tiếp rất khó có được.

Bùng nổ livestream bán hàng: Bài 1 - Làn gió mới giúp doanh nghiệp vượt khó

Ông Nguyễn Ngọc Luận- Giám đốc điều hành Công ty TNHH Liên kết thương mại toàn cầu (Meet more coffee) live stream bán hàng trong dịp Tết.

Sau thành công từ những sự kiện này, ông Luận cho biết công ty đang đẩy mạnh bán hàng trên nền tảng số và đầu tư rất bài bản, xem đây là kênh phân phối hàng hóa rất tiềm năng.

“Thời gian qua, chúng tôi đã đầu tư thời gian nghiên cứu tâm lý người mua livestream, không ngờ trong vòng 1 tháng chúng tôi đã bắt nhịp được xu hướng và tốc độ bán hàng qua kênh này tăng rất cao. Trong lúc khó tiếp cận đơn hàng, chúng ta phải tạo ra combo hàng hấp dẫn, thú vị hơn sẽ thu hút người mua thì khách sẽ sẵn sàng vào mua”, ông Nguyễn Ngọc Luận nói.

Trong khi đó với Công ty Sông Hương Food - chuyên kinh doanh thực phẩm chay, nếu không bán hàng livestream, doanh nghiệp này sẽ gặp không ít khó khăn khi hình thức mua sắm trực tiếp đang có chiều hướng giảm. Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, nhờ bán hàng livestream, doanh nghiệp đã chốt được đơn hàng với số lượng “khủng” bởi có ngày lên tới gần 800 đơn hàng với doanh thu hơn 46 triệu đồng. Việc bán livestream đã giúp doanh số bán hàng của công ty qua nền tảng số có lúc chiếm từ 40-50% doanh thu.

Nhận thấy tiềm năng của bán hàng livestream, trong cuộc trao đổi với báo giới gần đây, bà Phạm Thị Huân - Chủ tịch HĐQT Công ty Ba Huân đã chia sẻ kế hoạch dự kiến mở rộng kênh bán hàng trực tuyến để đón đầu xu thế và tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Theo đó, doanh nghiệp sẽ hợp tác với các KOL, các kênh YouTube có lượng khán giả lớn để đẩy mạnh bán hàng qua mạng cũng như quảng bá sản phẩm đến với công chúng rộng rãi hơn.

Thực tế, trong thời gian qua, những cuộc livestream bán hàng đã trở nên quen thuộc với nhiều tiểu thương, doanh nghiệp nhờ tính hiệu quả cao. Sức "nóng" của livestream đã và đang tạo nên cuộc đua gay cấn trong ngành thương mại điện tử. Từ các doanh nghiệp đến giới nghệ sĩ, người nổi tiếng, từ người kinh doanh ở đô thị đến người nông dân… đều có thể tổ chức livestream bán hàng. Nhiều chuyên gia dự báo, livestream bán hàng sẽ bùng nổ thành ngành công nghiệp tỷ USD.

Trong báo cáo "Báo cáo Shoppertainment 2024: Tương lai của Tiêu dùng và Thương mại châu Á - Thái Bình Dương” do TikTok phát hành mới đây, số người tiêu dùng thường xuyên tìm kiếm sản phẩm trên các nền tảng sáng tạo nội dung dạng video như TikTok tăng gấp 1,9 lần so với các công cụ tìm kiếm truyền thống. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong khu vực trong 1-2 năm tới đây khi 93% người tiêu dùng thể hiện mong muốn duy trì hay thậm chí tăng cường trải nghiệm kết hợp mua sắm - giải trí trên các nền tảng sáng tạo nội dung số.

Hiện doanh nghiệp đang dành nhiều ưu tiên bán hàng thông qua hình thức livestream trên Tiktok Shop. Thống kê của kênh mua sắm kết hợp giải trí - TikTokshop cũng phản ánh phần nào thực tế trên khi năm vừa qua, có đến 95.000 gian hàng mới gia nhập TikTokshop. Tại Việt Nam, trung bình mỗi ngày có khoảng 70 đến 80 nghìn phiên livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội.

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh chợ truyền thống đang trải qua sự suy giảm, chỉ dựa vào uy tín, mối quan hệ cũ, hay sự hỗ trợ của chính quyền trong các sự kiện truyền thống là chưa đủ và không khả thi. Do đó, việc chủ động theo dõi xu hướng thị trường, tuân thủ xu hướng theo sở thích của người tiêu dùng, và vượt qua khó khăn tự nhiên bằng cách làm quen với công nghệ số trên các nền tảng như Tiktok, Youtube... là một bước quan trọng và cũng là xu thế tất yếu để doanh nghiệp trụ vững.

Thương mại điện tử Việt Nam đang trải qua giai đoạn 10 năm phát triển rực rỡ. Từ những ngày khái niệm "thương mại điện tử" còn khá xa lạ với người tiêu dùng thì trong những năm qua Việt Nam liên tục ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc ở mức 16- 30%/năm.

Nhìn từ tính hiệu quả của việc livestream bán hàng sẽ thấy việc mạnh dạn tăng tốc bán hàng thông qua ứng dụng các công nghệ mới nổi là rất cần thiết với các doanh nghiệp Việt giữa bộn bề thách thức như hiện nay. Điều này không những giúp mang lại làn gió mới cho người mua, mà còn cải thiện đầu ra, tăng doanh số, giảm chi phí trung gian, từ đó không còn mối lo phải rút lui khỏi thị trường.

 

Bình luận của bạn