Bùng nổ livestream bán hàng (bài cuối): Cần chiến lược dài hơi
Livestream bán hàng đang giúp nhiều doanh nghiệp hồi sinh, tuy nhiên để hiệu quả doanh nghiệp cần đầu tư bài bản, xây dựng chiến lược dài hơi.
Không tham gia cuộc chơi sẽ bị loại
Theo dự đoán của Nielsen, đến năm 2025, thế hệ Gen Z tại Việt Nam sẽ đạt gần 15 triệu người, chiếm đến 21% lực lượng lao động và hơn 30% lượng khán giả trực tuyến. Đây chính là đối tượng người dùng chủ đạo nhằm đẩy mạnh tiềm năng của các nền tảng livestream nói riêng, xu hướng thương mại giải trí nói chung có cơ hội bùng nổ hơn nữa.
Sức nóng của livestream đã và đang tạo nên cuộc đua gay cấn trong ngành thương mại điện tử, khiến cho các thương hiệu lớn hay thương hiệu kinh doanh các mặt hàng giá trị cao vốn khá bảo thủ, hạn chế trong cách bán hàng cũng dần không thể đứng ngoài.
Ông Trần Lệ Nguyên, CEO của Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO đánh giá, mặc dù nền kinh tế bị ảnh hưởng nhưng những kênh thương mại điện tử vẫn tăng trưởng hàng năm 20-30%. Điều này cho thấy xu thế bán hàng đang dần thay đổi nên các doanh nghiệp cũng phải thay đổi về tư duy để có thể tiếp cận người tiêu dùng. “Thời bán hàng livestream đã tới, doanh nghiệp không thay đổi sẽ lạc hậu”, ông Trần Lệ Nguyên chia sẻ.
Theo CEO Trần Lệ Nguyên, không đứng ngoài cuộc chơi, KIDO đã "bắt tay" với TikTok mở kênh giải trí và livestream bán hàng mang tên E2E (Entertainment & E-commerce). Mặc dù mới chỉ ra mắt một thời gian ngắn, kênh E2E đã nhanh chóng thu hút khi có những clip lên đến hàng chục triệu view.
Livestream bán hàng đang tạo ra cuộc đua gay cấn trong thương mại điện tử
Trong đó, thành công nhất là chương trình giúp cho tiểu thương chợ Bến Thành bán hàng trên mạng "rất viral", với những clip lên tới con số 72 triệu view. Sau đó, nền tảng này lại tiếp tục thúc đẩy chương trình mua sắm Tết, cũng lên tới con số hơn 74 triệu view.
Không những vậy, theo vị tổng giám đốc này, trong những năm gần đây, phía KIDO đã chuyển mạnh sang kinh doanh trực tuyến và hiện tại doanh số bán hàng trực tuyến chiếm gần 70%. Trên nền tảng Shopee, công ty cũng đang đứng trong top 3.
Ông Nguyên cho rằng để xây dựng một kênh bán hàng hiệu quả trên mạng, điều quan trọng nhất là phải có lượng người theo dõi đáng kể. Nhất là cần xây dựng các nền tảng và kênh truyền thông không chỉ quảng cáo và bán hàng mà còn tương tác và cung cấp giải trí cho cộng đồng.
“Trước đây, chúng ta chỉ bán trên kênh truyền thống nhưng ngày nay phải bán hàng qua công nghệ, bắt đầu livestream. Giữa bán trực tiếp và online thì tiêu thụ online tăng đáng kể, đặc biệt rất có lợi cho người tiêu dùng. Khi giảm bớt những chi phí trung gian cũng như logistics, marketing, sale…đặc biệt TikTok vẫn thường tung ra rất nhiều voucher, tất cả đều có lợi cho người tiêu dùng”, ông Nguyên nói.
Một trường hợp khác là nhà sản xuất thời trang VitaJean. Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean), cho biết doanh nghiệp đã mở kênh bán hàng trên TikTok trong năm vừa qua và bước đầu có hiệu quả. Doanh số bán hàng tăng 2 - 3 lần so với những ngày đầu. Đây cũng là cách giúp doanh nghiệp có thêm chỗ đứng ở thị trường nội địa trước bối cảnh xuất khẩu khó khăn.
Cần chiến lược dài hơi
Theo các chuyên gia, trong giai đoạn hiện tại, các doanh nghiệp vẫn có thể phát triển được bởi các sàn thương mại điện tử đã vào giai đoạn ổn định, có hệ thống chính sách rõ ràng. Nếu làm tốt, nhà bán hàng có thể dễ điều chỉnh các hoạt động của doanh nghiệp mình để đạt được mục tiêu đề ra.
Ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc marketing Haravan (công ty cung cấp giải pháp thương mại điện tử và bán lẻ), cho rằng khởi nghiệp kinh doanh online ngày càng dễ bắt đầu khi có sẵn nền tảng, người tiêu dùng đã quen mua online, phương thức vận chuyển và thanh toán ngày càng thuận lợi với chi phí thấp. Tuy nhiên, do ai cũng có thể kinh doanh online nên cạnh tranh về giá rất lớn, biên độ lợi nhuận mỏng.
"Muốn thành công trong kinh doanh online, cần có sự khác biệt để thu hút khách. Phải có kế hoạch dài hơi, từ sản phẩm chất lượng đến dịch vụ tốt để tích lũy uy tín nhà bán hàng, xây dựng được lượng khách hàng trung thành…", ông Tấn gợi ý.
Từ kinh nghiệm thực tế của doanh nghiệp, ông Phạm Văn Việt chia sẻ, để kinh doanh trực tuyến nói chung và livestream nói riêng, Việt Thắng Jean đã đầu tư xây dựng các kênh bán hàng, thiết bị công nghệ, hệ thống quản trị phần mềm, đội ngũ bán hàng và xây dựng hình ảnh, video… một cách bài bản. Có những thời điểm livestream, V-Sixtyfour có thể tiếp cận 500.000 khách hàng. Vì vậy, bên cạnh phần mềm trả lời tự động, doanh nghiệp luôn có đội ngũ chăm sóc khách hàng 24/24 giờ.
“Trước đây, chúng tôi chỉ tập trung xây dựng hình ảnh, mà bỏ qua công đoạn chăm sóc khách hàng. Đến nay, khi livestream bán hàng thời trang, ngoài việc phải tạo được phong cách, doanh nghiệp cần có đội ngũ này luôn túc trực để trả lời, tư vấn cho khách hàng về mẫu mã, màu sắc… Nếu làm tốt, đơn hàng trực tuyến trong thời gian tới có thể ngang bằng hoặc cao hơn so với bán hàng trực tiếp”, ông Việt nói.
Đặc biệt, ngoài livestream phục vụ khách hàng trong nước, Việt Thắng Jean còn livestream phục vụ các đối tác nước ngoài tại châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… Sau khi tìm hiểu, thông qua công nghệ 3D, các nhà nhập khẩu có thể điều chỉnh theo mong muốn và lựa chọn mã sản phẩm để đặt hàng trực tuyến.
“Không đơn giản là đầu tư tiền bạc, để thành công với việc bán hàng qua kênh livestream, doanh nghiệp cần xây dựng và triển khai chiến lược bài bản, từ xây dựng kênh bán hàng, xây dựng hình ảnh, nội dung, đến liên kết với các sàn thương mại điện tử, tìm hiểu các quy định cũng như thuật toán ở mỗi nền tảng, đào tạo đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp”, ông Phạm Văn Việt nhấn mạnh.
Thực hiện Quyết định 645/QĐ-TTg, ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể Phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025, Bộ Công Thương giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thực hiện nhiệm vụ triển khai Đề án xây dựng sàn thương mại điện tử hợp nhất 63 tỉnh, thành.
Trong năm 2024, Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Bộ Công Thương) đã và đang kết nối các Sở, Ban, ngành địa phương với các nền tảng thương mại điện tử và các đơn vị cung cấp dịch vụ thương mại điện tử để triển khai mô hình Flagship Store - Gian hàng địa phương trên các Sàn thương mại điện tử.
Theo đó, doanh nghiệp sẽ được tư vấn những thông tin hữu ích và thực tế về thị trường, chiến lược kinh doanh, các chiến dịch bán hàng… trong suốt thời gian tham gia đồng hành. Đồng thời, Bộ Công Thương đã và đang làm việc với một số doanh nghiệp về công nghệ và dịch vụ để khi giải pháp này đi vào vận hành sẽ trực tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc thiết lập gian hàng, marketing, PR, livestream bán hàng, quản lý kho vận, chăm sóc phản hồi khách hàng,… nhằm tối ưu cả về chi phí và hiệu quả bán hàng.