Việt Nam chưa khai thác được nhiều “mỏ vàng”
Từ thị trường du lịch, giáo dục đến chăm sóc sức khỏe là 'mỏ vàng' của Việt Nam đang được các doanh nghiệp nước ngoài 'khai thác'.
Ảnh minh họa.
Theo ông Hirotaka Yasuzumi, Việt Nam kinh tế đang phát triển, nhưng xuất hiện những thói quen sinh hoạt dẫn đến một số bệnh, như trẻ em bị béo phì.
Do đó, doanh nghiệp Nhật Bản muốn giới thiệu đến người tiêu dùng Việt Nam những dịch vụ đặc trưng của Nhật Bản cho chăm sóc sức khỏe cũng như chăm sóc người cao tuổi.
Ông Hirotaka Yasuzum khẳng định: Chính phủ Nhật Bản muốn tập hợp những doanh nghiệp muốn kinh doanh tại Việt Nam trong lĩnh vực này để quảng bá một cách tập trung và bài bản hơn.
Không chỉ các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam mà cả người Việt cũng mang tiền để sang nước ngoài chữa bệnh.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, riêng năm 2013, khoảng 40.000 người Việt đã chi 2 tỷ USD cho việc đi khám chữa bệnh ở nước ngoài.
Nhiều lý do được đưa ra để lý giải cho sự 'chảy máu' ngân sách này là vì bệnh viện công tại Việt Nam quá tải, thái độ phục vụ thì hách dịch, nạn phong bì nhũng nhiễu bệnh nhân, trong khi bệnh viện tư chưa có nhiều, đa phần quy mô nhỏ, năng lực khám chữa bệnh chưa thực sự tốt.
Ngay cả lĩnh vực du lịch hiện nhiều nước cũng thấy được tiềm năng của Việt Nam.
Mới đây ông Visothy So, Phó Quốc vụ khanh Bộ Du lịch Campuchia cho biết, quốc gia này tiếp tục có những hoạt động xúc tiến du lịch để nâng lượng khách từ Campuchia đến Việt Nam trong năm 2015.
Ông Visothy So khẳng định: “Miền đông bắc Campuchia rất giàu tiềm năng thu hút đầu tư và khách du lịch với nhiều di sản thiên nhiên như thác nước, núi đồi và đặc biệt Campuchia có tuyến giao thông thuận lợi kết nối với Việt Nam nên sẽ rất dễ dàng thu hút khách du lịch Việt Nam.
Năm ngoái chúng tôi đón khoảng 1 triệu khách du lịch Việt Nam và kỳ vọng con số này cao hơn trong năm nay".
Trong khi đó khách nước ngoài đến Việt Nam thì lại 'một đi không trở lại'. Con số thống kê của Tổng cục du lịch 6 tháng đầu năm 2015, lượng khách nước ngoài tới Việt Nam sụt giảm tới hơn 10% so với cùng kỳ năm 2014.
Chỉ ra nguyên nhân của việc khách du lịch chỉ đến một lần và không trở lại lần thứ hai, Giám đốc Công ty du lịch Vietravel Hà Nội Nguyễn Lê Hương nhận định việc "chặt chém" khách du lịch, môi trường vệ sinh, thực phẩm thiếu an toàn... hiện đang là "căn bệnh" mãn tính.
Không chỉ du lịch, y tế mà giáo dục cũng đang là 'mỏ vàng' bị lãng quên. Theo Bộ Giáo dục và đào tạo mỗi năm lượng sinh viên ra nước ngoài học ngày một tăng.
Năm 2013 có khoảng 125.000 sinh viên Việt Nam du học ở nước ngoài và con số này tăng 15% so với năm 2012 và là con số tăng nhảy vọt kể từ giai đoạn 2008-2009.
Vào năm 2013, có khoảng 1,8 tỷ USD được chi trả cho các khoản chi phí liên quan đến du học ở nước ngoài, chiếm khoảng 1% GDP năm 2013.
Theo Báo Đất Việt