'Ăn' hàng Việt và... 'yêu' hàng Việt

Hàng chục hay hàng trăm tấn dưa hấu đã được tiêu thụ nhờ sự chung sức của cộng đồng mạng trong những ngày qua?

Con số cụ thể, chúng ta phải cập nhật. Và có thể còn nhiều hơn thế.

Bởi khi đã được cộng đồng ủng hộ thì phong trào mua dưa hấu giúp bà con nông dân sẽ được nhân lên gấp bội. Không ai tiếc mấy ngàn lẻ để có thể mua được quả dưa hấu to đùng (về đến Hà Nội chỉ 3.000đ/kg), vừa ngon lành bổ dưỡng, lại vừa mát lòng, mát dạ vì đã làm được một việc thiện. Nhiều người còn mua cả yến dưa hấu để tích trữ ăn dần hoặc tặng người thân bạn bè. Một yến dưa hấu mới bằng một bát phở.

Giá nông sản của chúng ta đúng là rẻ. Ở Quảng Nam, Quảng Ngãi nghe nói có 500 đồng một cân. Số tiền đó thậm chí không còn tồn tại trong ngăn đựng tiền lẻ của đa số người dân thành phố. Cách đây vài năm, trên báo chí, người ta đã từng khảo sát xem 1.000 đồng, tức gấp đôi số tiền đó, thì mua được những gì ngoài chợ? Một củ hành, một củ tỏi? Có thể được nhiều hơn, nhưng đa số người ta luôn xùy ra số tiền gấp đôi hoặc gấp nhiều lần như thế cho mọi chi tiêu vặt vãnh hàng ngày. Một cốc trà nóng, trà đá vỉa hè cũng gấp đôi, gấp ba lần như thế (khoảng 2 đến 5 ngàn đồng).

alt
 

Nhưng không phải đây là lần đầu tiên chúng ta thấy nông sản rẻ. Cách đây mấy năm, lên Mộc Châu, tôi từng chứng kiến những quả mận hậu, đỏ tía, ngọt lừ mà giá chỉ có 800 đồng một cân vào lúc khủng hoảng thừa. Cảm khái nhìn bà con người Mông vác những tải mận lặc lè ra điểm thu mua, tôi từng có suy nghĩ, hay mình bỏ ra 8 ngàn đồng hoặc 80 ngàn đồng mua cả tải, cả xe mận hậu để ăn cho… bể bụng, để chí ít cũng giúp cho những người chở mận kia đỡ vất vả. Số tiền vài chục ngàn bỏ ra cũng chỉ hai bát phở, chẳng bõ bèn gì so với cơn cao hứng của một khách du lịch.

Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại. Hôm nay ta có thể ăn dưa hấu ủng hộ bà con đến bể bụng, nhưng ngày mai dưa hấu vẫn chín, ta có thể ăn được tiếp không? Nay mai hết dưa hấu đến mận hậu, thanh long, vải thiều, ta có thể phát động tiếp một phong trào thu mua ủng hộ? Tết năm vừa qua, rau củ các loại rẻ như bèo, vài ngàn đồng được một rổ rau thơm đủ thứ, sức ta ăn được mấy?

Một cuộc vận động “ăn dưa hấu” của cộng đồng mạng giúp ta nhận ra nhiều thứ. Mà toàn là những thứ đã cũ. Đó là đầu ra của nông sản. Cũng có lúc, nông sản giá trên trời. Người tiêu dùng thực sự đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành vì giá cả đắt đỏ, phải thắt chặt mọi chi tiêu. Giờ đây, gió đổi chiều, khiến người tiêu dùng trở thành cứu tinh cho người sản xuất.

Mọi hàng hóa sản xuất lưu thông trên thị trường đều chịu sự khắc nghiệt của quy luật cung - cầu, cùng các yếu tố tác động khác của thị trường tự do. Nhưng sự khắc nghiệt đó vẫn có những yếu tố nằm ngoài, hay nằm trên các quy luật của thị trường, đó là ý thức của người tiêu dùng. Và đó cũng là chỗ dành cho tình người. Chúng ta không xa lạ với khẩu hiệu “dùng hàng nội là yêu nước”. Ở những đất nước mà thị trường tự do phát triển nhất, người ta vẫn thấy ý thức sử dụng hàng nội rất cao. Tôi không nói Samsung hay Apple, thứ nào tốt hơn, nhưng dân Hàn luôn chọn Samsung. Đã nhiều năm qua, Nhà nước ta phát động cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhưng cuộc vận động vẫn chưa bắt rễ được vào ý thức người tiêu dùng, vẫn chưa đi vào thực chất.

Người Việt “ăn” dưa hấu Việt, ăn hàng Việt, rồi cũng sẽ no. Nhưng yêu hàng Việt thì là câu chuyện lâu dài.

VnCharm

Nguồn : Thể thao & Văn hóa

Bình luận của bạn