Doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng Việt

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho rằng bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng dùng hàng Việt, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm so với hàng ngoại nhập cùng loại.

alt
Để người Việt Nam luôn ưu tiên dùng hàng Việt thì doanh nghiệp cần phải nâng cao chất lượng hàng hóa

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, Phó Ban chỉ đạo Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, suốt 4 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Bộ Công Thương cho rằng Chương trình hành động càng cụ thể thì triển khai càng có kết quả. Và điều này đã được thực tế chứng minh. So với năm 2009 là thời điểm bắt đầu cuộc vận động, đến nay nhận thức của toàn xã hội về cuộc vận động đã có những chuyển biến rõ rệt, từ nhận thức của người tiêu dùng, người sản xuất và người phân phối lưu thông.

Tính đến thời điểm này, Bộ Công Thương, các địa phương và các đơn vị, doanh nghiệp đã tổ chức được gần 1.700 đợt bán hàng về nông thôn với hơn 13.000 lượt doanh nghiệp tham gia với hơn 24.000 gian hàng, thu hút gần 3 triệu lượt người dân địa phương tới tham quan, mua sắm và doanh thu mang lại là hơn 1,78 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, tại các tỉnh biên giới, các đợt bán hàng Việt không chỉ thu hút được người dân trên địa bàn tới tham quan mua sắm mà còn thu hút được đông đảo dân cư của các nước láng giềng như Lào, Campuchia...

Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay: Thống kê sản xuất, tiêu thụ hàng hoá, có đến hơn 70% người tiêu dùng trong nước đã tin tưởng chất lượng hàng Việt và mua hàng Việt. Có thể nói, hàng nội đã nâng cao được sức cạnh tranh so với hàng ngoại, làm thay đổi suy nghĩ, thói quen sính hàng ngoại của người tiêu dùng. Vì vậy, việc hàng Việt giành lại được thị trường Việt bên cạnh sự nỗ lực và cải tiến công nghệ của các doanh nghiệp phải kể đến các biện pháp hỗ trợ của Bộ Công Thương về vốn đầu tư, bảo vệ hàng nội qua rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại miễn là không trái với các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký với các nước.

Theo ông Quyền, các Sở Công thương đã cùng chính quyền các tỉnh, thành phố tổ chức các đợt bán hàng bình ổn giá, đưa hàng về nông thôn với hàng nghìn đợt bán hàng, hàng chục nghìn lượt doanh nghiệp tham gia. Các hoạt động này càng sôi động tại các thành phố lớn, như tại Hà Nội, đã tổ chức 38 phiên chợ huyện, 470 chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng phục vụ các khu công nghiệp và nhân dân 13 xã miền núi. Đến thời điểm này cả nước có hơn 9.000 điểm bán hàng bình ổn và điều đáng mừng là tại các điểm này hàng Việt chiếm tới trên 90%.

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết thêm, năm 2014 và những năm tiếp theo bên cạnh việc chú trọng tuyên truyền, vận động nâng cao hơn nữa nhận thức của người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất, các nhà phân phối thì các nhà sản xuất Việt Nam cũng phải nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm so với hàng ngoại nhập cùng loại.

"Bởi lẽ, tuyên truyền tốt đến mấy mà chất lượng sản phẩm của chúng ta kém thì không thuyết phục được người tiêu dùng. Trước mắt, năm 2014 ngành Công Thương sẽ triển khai sâu rộng, mạnh mẽ hơn với các chương trình cụ thể hơn. Trong đó chú trọng vào đội ngũ sinh viên, học sinh, lớp trẻ và những công đoàn viên ngành Công Thương", Thứ trưởng nhấn mạnh./.

Nguồn: Báo Hải quan

Bình luận của bạn