92% người tiêu dùng 'rất quan tâm' đến cuộc vận động dùng hàng Việt

Trên 90% người tiêu dùng khi được hỏi đều trả lời "rất quan tâm" đến cuộc vận động  “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Ngày 11/10, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Cuộc vận động nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đến năm 2020.

Theo đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động, ông Lê Bá Trình thông tin: sau 5 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động, người tiêu dùng Việt Nam đã nhận thức sâu sắc mục đích, ý nghĩa Cuộc vận động và thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước thay cho việc mua sắm hàng ngoại đã tồn tại lâu nay. Tại các vùng nông thôn, người dân đã bắt đầu quen dùng và ưa chuộng hàng sản xuất trong nước.

alt

Còn theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) tổ chức vào tháng 7/2014, có 92% người tiêu dùng được hỏi “rất quan tâm” và “quan tâm” đến Cuộc vận động; 63% số người tiêu dùng "tự xác định khi mua hàng hoá sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; 54% người tiêu dùng "khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen biết nên mua hàng Việt Nam". 

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Cuộc vận động các tỉnh, thành phố, hiện nay người tiêu dùng Việt Nam nói chung ngày càng đánh giá cao hàng Việt Nam. Tại nhiều địa phương, các mặt hàng dệt may, da giầy có tới 80% người ưa chuộng; nhóm hàng thực phẩm, rau quả có tới trên 58% người tiêu dùng ưa chuộng...

Với những kết quả đạt được trong 5 năm qua, Hội nghị đề ra mục tiêu đến năm 2020 có 100% người tiêu dùng và doanh nghiệp biết đến Cuộc vận động; 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bộ, ngành và tổ chức chính trị - xã hội xây dựng được kênh truyền thông "Tự hào hàng Việt"; hàng Việt có thế mạnh chiếm 80% thị phần tại các kênh phân phối truyền thống ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai xây dựng điểm bán hàng Việt Nam cố định, bền vững; cơ bản hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật mạng lưới phân phối hàng Việt của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để hỗ trợ công tác quản lý nhà nước và các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh...

Cùng với công tác tuyên truyền, nhằm triển khai thực hiện cuộc vận động  (CVĐ) một số ngành chức năng đã vào cuộc ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc trôi nổi trên thị trường, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới qua đó làm cho cuộc vận động ngày càng thiết thực và có hiệu quả. Cuộc vận động đã khơi dậy được ý thức tự lực, tự cường, tự tôn dân dân tộc, thể hiện được lòng yêu nước của mỗi người dân. Người tiêu dùng đã quan tâm mua sắm các mặt hàng sản xuất trong nước; các đơn vị kinh tế đang nỗ lực cải tiến công nghệ, nâg cao chất lượng sản phẩm, cải thiện khả năng cạnh tranh của các loại hàng hóa, dịch vụ ở thị trường trong tỉnh và khu vực. 

Tuy đã đạt được những kết quả tích cực nhưng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" vẫn còn những tồn tại, hạn chế: Cuộc vận động chưa được triển khai sâu rộng và đồng bộ giữa các cấp, các ngành, địa phương, cơ sở; Công tác xây dựng, chương trình, kế hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo còn nhiều lúng túng, sự phối hợp, gắn kết trong qúa trình triển khai thực hiện Cuộc vận động giữa các cấp, các ngành, mặt trận, đoàn thể và các đơn vị kinh tế chưa nhiều; Công tác hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc triển khai Cuộc vận động của Ban chỉ đạo chưa thường xuyên, kịp thời, linh hoạt….

Việc vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hết hạn sử dụng vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa…

Công tác tuyên truyền, phản ánh về cuộc vận động chưa thường xuyên, chưa thực sự đến với nhân dân, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nên sức lan tỏa và hiệu quả của cuộc vận động còn hạn chế; Các cơ chế, chính sách, giải pháp trong quản lý Nhà nước nhằm thúc đẩy sản xuất, lưu thông, phân phối và bảo vệ người tiêu dùng chưa hoàn thiện và còn bất cập, nhất là công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm…kinh phí hỗ trợ cho cuộc vận động có hạn nên việc đưa hàng hóa về khu vực nông thôn theo mục tiêu của cuộc vận động còn gặp khó khăn… 

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động khẳng định: Cuộc vận động đã làm thay đổi được nhận thức của người dân về hàng Việt và ưu tiên dùng hàng Việt, chứng tỏ thói quen tiêu dùng của nhiều người đã thay đổi theo hướng ưu tiên dùng hàng Việt.

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động " Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" một cách sâu rộng và đạt hiệu quả trong thời gian tới, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trong thời gian tới phải vận động, tuyên truyền với cường độ cao. Truyền thông phải tuyên truyền có sức thuyết phục, sát với từng đối tượng và tuyên truyền liên tục.

Các cơ quan của Chính phủ, UBND các cấp, các doanh nghiệp thực hiện đề án 634 Chính phủ đã phê duyệt, trong đó đề cập đến vấn đề xúc tiến thương mại, doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo vệ thương hiệu…. “Phải xây dựng kế hoạch hành động 2015 của từng tỉnh theo đề án của Thủ tướng. Các Bộ ngành, đặc biệt, Bộ Công thương xây dựng chương trình hoạt động của mình trong năm 2015. Các Bộ, ngành có kế hoạch triển khai thì mới có chương trình vận động của Mặt trận đồng bộ với các địa phương.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với các tổ chức thành viên xây dựng cụ thể kế hoạch truyền thông cho 2015, trong đó phát hiện các điển hình để tuyên dương, khen thưởng, tạo công nhận xã hội. “Bộ Công thương, Bộ Thông tin truyền thông cần đề xuất tiêu chí để lựa chọn các doanh nghiệp”- ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị.

Xây dựng báo cáo để báo cáo với Bộ Chính trị kết quả 5 cuộc vận động và xin ý kiến Bộ Chính trị trong 5 năm tới.

Về tổ chức thực hiện, đề nghị Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo hướng: Trưởng ban chỉ đạo ở địa phương có thể là thường vụ tỉnh ủy, có thể là phó bí thư cấp ủy, phó chủ tịch ủy ban nhân dân hoặc chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh.

Về phía MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội, phối hợp với chính quyền xây dựng kế hoạch hoạt động triển khai cuộc vận động./.

VnCharm

Bình luận của bạn