Bình Thuận tăng cường cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt

Thực hiện Thông báo Kết luận số 264-TB/TW ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị và Thông tri số 36/TTr-MTTW ngày 16/9/2009 của Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các văn bản, kế hoạch hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, trong 3 năm qua, tỉnh Bình Thuận đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đồng thời phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh và các ngành thành viên trong triển khai thực hiện CVĐ.

Ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh đã phối hợp với các sở, ban ngành, Mặt trận và các đoàn thể, các cơ quan tuyên truyền, báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền về CVĐ. Các ngành thành viên Ban chỉ đạo CVĐ tỉnh đều xây dựng kế hoạch tuyên truyền về CVĐ cho hàng trăm ngàn lượt người tiêu dùng, với nhiều hình thức phong phú, thiết thực như: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tấn, báo chí, hệ thống truyền thanh cơ sở; trong các cuộc họp của cơ quan, đơn vị; các buổi sinh hoạt của đoàn viên, hội viên và nhân dân ở khu dân cư; thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, các vị chức sắc dân tộc, tôn giáo, người tiêu biểu trong công đồng dân cư… Thông qua công tác tuyên truyền về Cuộc vận động đã làm cho người tiêu dùng nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh; chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam, từ đó thay đổi nhận thức và tiêu dùng theo hướng ưu tiên sử dụng các loại hàng hóa, sản phẩm dịch vụ do các doanh nghiệp trong nước, trong tỉnh cung cấp.

alt

Công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường tích cực được triển khai. Sở Công thương tỉnh đã phối hợp với các ban ngành, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức 8 hội chợ thu hút hơn 300 doanh nghiệp tham gia. Thông qua việc tham gia hội chợ các doanh nghiệp đã giới thiệu sản phẩm, thương hiệu đến người tiêu dùng đồng thời mở rộng được thị trường tiêu thụ hàng hóa, mở được đại lý và đưa được sản phẩm tiêu thụ tại các siêu thị trong nước.

Các hoạt động khuyến mại cũng  được doanh nghiệp ngày càng quan tâm, số lượng chương trình tổ chức ngày càng nhiều, diễn ra liên tục nhằm gây ấn tượng, sự chú ý của người tiêu dùng, tạo không khí sôi động để thu hút khách hàng, nhất là các siêu thị, các cửa hàng chuyên doanh, các doanh nghiệp kinh doanh tổng hợp, điện thoại di động, viễn thông... Từ năm 2009 đến tháng 6/2012, Sở Công Thương đã xác nhận 58 chương trình khuyến mãi tại tỉnh Bình Thuận, với tổng số tiền 3.365.774.200 đồng.

Sở Công Thương đã phối hợp với các địa phương tổ chức chương trình các chương trình bán hàng lưu động đưa các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam có thương hiệu, chất lượng, giá cả phù hợp về phục vụ khu vực nông thôn. Từ năm 2010 đến tháng 6/2012, đã tổ chức 05 chương trình đưa hàng Việt về nông thôn tại các huyện Đức Linh, Tuy Phong, Tánh Linh, Phú Quý có khoảng hơn 77 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia. Tổng doanh sốbán hàng trong chương trình đạt khoảng 2.228 triệu đồng.

Công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được quan tâm chú trọng. Sở đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, các địa phương trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường chống nạn kinh doanh, buôn bán hàng kém chất  lượng, hàng hết hạn sử dụng, hàng giả, hàng nhái nhãn mác của các doanh nghiệp Việt Nam có thương hiệu, uy tín tốt để đánh lừa người tiêu dùng. Từ năm 2010 đến hết tháng 6/2012 công tác kiểm tra, lực lượng Quản lý thị trường đã tổ chức kiểm tra 5.689 vụ, phát hiện và xử lý 2.536 vụ, tổng trị giá thu phạt và hàng tịch thu trên 17,7 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong triển khai thực hiện CVĐ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần được khắc phục như: Một số cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể chưa quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo và tổ chức triển khai thực hiện CVĐ ở địa phương, cơ sở; công tác tuyên truyền về CVĐ còn lúng túng, chưa lan toả sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; cơ chế phối hợp giữa Ban chỉ đạo CVĐ tỉnh với các sở, ban ngành, đoàn thể chưa chặt chẽ, đồng bộ trong triển khai thực hiện CVĐ; một số doanh nghiệp chưa nhận thức sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của CVĐ, chưa đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng; tâm lý sính hàng ngoại trong một bộ phận nhân dân vẫn còn khá nặng nề...

Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh Bình Thuận phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tập trung triển khai các giải pháp đẩy mạnh thực hiện CVĐ như: Phối hợp Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng và cơ quan liên quan tổ chức các hội thảo về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa, dịch vụ; tuyên truyền vận động người tiêu dùng sử dụng dịch vụ, hàng hóa sản xuất trong nước có chất lượng tốt; Phối hợp các Hiệp hội ngành nghề, địa phương tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn tỉnh Bình Thuận các năm tiếp theo, hỗ trợ doanh nghiệp tổchức các chương trình bán hàng lưu động đưa các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam có thương hiệu, chất lượng, giá cả phù hợp về khu vực nông thôn, miền núi, giúp người tiêu dùng nhận thức đúng chất lượng hàng hóa mang thương hiệu Việt; Hướng dẫn, hỗ trợcác doanh nghiệp hưởng ứng, tham gia cuộc vận động thông qua việc tổ chức các chương trình khuyến mãi nhằm đẩy mạnh bán ra, đồng thời thu hút sựquan tâm của người tiêu dùng đối với các sản phẩm, dịch vụ, hàng hoá sản xuất trong nước, trong tỉnh góp phần nâng cao uy tín, thương hiệu doanh nghiệp trên thị trường trong nước; Tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước, trong tỉnh nhằm quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm...

VnCharm

Bình luận của bạn