“Cái được là thay đổi nhận thức về hàng Việt!”
“Cái được lớn nhất của cuộc vận động là đã tạo được sự chuyển biến, thay đổi cơ bản trong nhận thức và hành vi của người tiêu dùng và người sản xuất về hàng Việt”
Đánh giá kết quả thực hiện sau 3 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ông Lê Bá Trình - thành viên BCĐ Trung ương, Trưởng ban Thường trực cuộc vận động, Phó Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc VN - khẳng định: “Cái được lớn nhất của cuộc vận động là đã tạo được sự chuyển biến, thay đổi cơ bản trong nhận thức và hành vi của người tiêu dùng và người sản xuất về hàng Việt”.
Thưa ông, chỉ sau 3 năm, người tiêu dùng VN từ chỗ ưa chuộng các sản phẩm nước ngoài, đã chuyển sang yêu thích và tin tưởng sử dụng hàng VN. Điều gì đã làm nên sự thay đổi nhận thức này?
- Sau 3 năm thực hiện cuộc vận động, kết quả đạt được rõ nhất là thay đổi cơ bản trong nhận thức của cả nhà sản xuất (SX) lẫn người tiêu dùng (NTD) về hàng hoá thương hiệu Việt.
Nếu như trước đây, NTD hầu như không quan tâm, chú ý đến thương hiệu Việt thì nay số lượng NTD tin tưởng và sử dụng hàng Việt đã tăng lên. NTD đã tìm mua hàng VN, thậm chí nếu không phải hàng sản xuất trong nước thì họ không mua, chứng tỏ không chỉ về mặt ý thức mà cả chất lượng hàng hoá VN đã được cải thiện rõ rệt.
Về phía nhà SX thì các doanh nghiệp (DN) cũng đều ý thức sản xuất ra hàng hoá, dịch vụ đảm bảo chất lượng, đáp ứng thị hiếu của NTD. Đặc biệt, các DN có ý thức đưa hàng Việt vào kênh phân phối để bán đến tận tay NTD. Hiện tại hầu hết các siêu thị, đặc biệt là các siêu thị bán lẻ, tỉ trọng hàng VN đến 95% đã trở thành kênh phân phối vô cùng hữu hiệu và tạo thói quen cho người sử dụng mua sản phẩm Việt.
Bên cạnh đó, để khắc phục tình trạng hàng hoá về nông thôn là địa bàn của hàng Trung Quốc giá rẻ, thời gian qua, các DN đã phối hợp tổ chức các hội chợ giới thiệu hàng Việt, đưa hàng Việt về nông thôn, bán cho công nhân tại các KCN - KCX, xây dựng bản đồ phân phối hàng Việt từ Bắc chí Nam.
Các DN vừa và nhỏ còn có ý thức quảng bá thương hiệu, phối hợp với các phương tiện truyền thông tuyên truyền đến người sử dụng về chất lượng hàng VN không thua kém hàng ngoại nhập, nhưng giá cả hợp lý. Về phía chính quyền, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách như cho vay vốn, hỗ trợ lãi suất cho DN phát triển SXKD, tạo thị trường thuận lợi trong cạnh tranh để hàng hoá VN từng bước thâm nhập thị trường.
Việc ưu tiên dùng hàng Việt mới chỉ được đẩy mạnh đối với các hàng hoá tiêu dùng, còn đối với các hàng hoá có giá trị lớn như máy móc, thiết bị, vật tư trong nước sản xuất được, hiện Luật Đấu thầu vẫn còn nhiều hạn chế. Tới đây, việc ưu tiên dùng hàng VN có triển khai sâu rộng vấn đề này không? Mục tiêu đến 2015, 100% đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước phải ưu tiên mua hàng hoá SX trong nước liệu có khả thi không, thưa ông?
- Bên cạnh việc ưu tiên hàng hoá tiêu dùng trong nước, thì những mặt hàng có giá trị lớn như vật tư, hàng hoá, nguyên liệu trong nước sản xuất được cũng được Chính phủ chỉ đạo phải ưu tiên mua sắm, nhất là các dự án đấu thầu sử dụng vốn Nhà nước.
Vừa rồi, Bộ Công Thương đã yêu cầu các tập đoàn, TCty 90, 91 ký cam kết hỗ trợ và tiêu thụ hàng hoá lẫn nhau, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau để nâng cao hiệu quả hoạt động SXKD. Việc đẩy mạnh sử dụng máy móc, thiết bị trong nước sản xuất được đã góp phần hạn chế nhập khẩu hàng hoá bên ngoài có giá trị tương đương, tạo điều kiện cho DN trong nước nâng cao năng lực, tiêu thụ sản phẩm. Đối với Luật Đấu thầu, tới đây sẽ đề xuất những sửa đổi để khuyến khích sản xuất trong nước, nhưng phải không trái với những quy định trong WTO.
Và một nguyên tắc cần được tuân thủ là, chúng ta ưu tiên sử dụng hàng trong nước, nhưng hàng hoá chúng ta phải vươn lên, có chất lượng tương đương hàng ngoại nhập, chứ đề ra mục tiêu 100% sử dụng hàng trong nước, mà hàng trong nước quá kém, hàng ngoại nhập rẻ hơn thì không thể bắt ép mua hàng trong nước được.
Tới đây, cuộc vận động sẽ có những đổi mới căn bản nào để đạt được kết quả đồng bộ và thiết thực hơn, thưa ông?
- Dù được đánh giá là tạo hiệu ứng xã hội sâu rộng, song cuộc vận động ưu tiên dùng hàng Việt vẫn còn một số hạn chế, cần khắc phục. Ở nhiều địa phương, do nhận thức thiếu đồng bộ nên có nơi, có lúc làm chưa tốt. Địa phương nào cấp uỷ đảng, chính quyền quan tâm triển khai cuộc vận động thì địa phương đó ý thức của người dân có chuyển biến rõ rệt.
Ngược lại, nhiều địa phương làm hình thức, đối phó, thiếu sự phân công trách nhiệm rõ ràng thì hiệu quả kém. Bên cạnh đó, nhiều cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu trong việc ưu tiên sử dụng hàng nội địa, từ đó, người dân “soi” vào và họ không tâm phục khẩu phục. Không ít DN vẫn còn tư tưởng “chụp giật”, chạy theo cơ chế “xin - cho”...
Năm 2014, Mặt trận Tổ quốc sẽ tổ chức sơ kết 5 năm cuộc vận động và đề ra những định hướng lớn hơn trong thời gian tới. Theo đó, để cuộc vận động đạt hiệu quả thiết thực, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp, các ngành, đoàn thể, bên cạnh tăng cường quảng bá sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, cần làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống hàng giả, hàng nhập lậu cạnh tranh không lành mạnh.
- Xin cảm ơn ông!
Nguồn: www.dunghangviet.vn