Chắp nối cung cầu hàng Việt
Theo Hiệp hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, chỉ riêng một tháng thực hiện chương trình “Giỏ quà Tết thuần Việt” tại hệ thống siêu thị Coop Mart, doanh số hầu hết các mặt hàng tham gia giỏ quà của 30 doanh nghiệp Việt đã tăng 30 - 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, có những đặc sản doanh thu tăng gấp 17 lần. Một xu hướng đáng mừng là hiện nay người tiêu dùng trong nước ngày càng đánh giá cao hàng Việt Nam.
Tại nhiều địa phương, các mặt hàng dệt may, da giầy có tới 80% người ưa chuộng; nhóm hàng thực phẩm, rau quả được hơn 58% người tiêu dùng ưa chuộng... Theo tổng kết của Công ty nghiên cứu thị trường định hướng (FTA), hiện có 71% người tiêu dùng tin tưởng hàng Việt Nam chất lượng cao.
Trong hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp, hàng hóa sản xuất trong nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn từ 80-90%, trong đó siêu thị Big C có tới gần 90%, hệ thống siêu thị Saigon Coop đến 95%... hàng sản xuất trong nước. Tại hệ thống các cửa hàng bình ổn thị trường, hàng hóa trong nước cũng chiếm 90%. Chưa hết, hàng Việt cũng đang dần lấy lại chỗ đứng trong các quầy kệ, sạp của chợ truyền thống, hợp tác xã thương mại, cửa hàng tạp hóa quy mô hộ gia đình.
Kết quả khảo sát của ngành công thương cũng cho thấy, kể từ khi phát động cuộc vận động, tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm đầu vào, nguyên liệu cũng như thiết bị máy móc của các doanh nghiệp tăng bình quân 25%.
Tại các vùng nông thôn, người dân bắt đầu quen dùng và ưa chuộng hàng sản xuất trong nước. Việc tổ chức bán hàng Việt về nông thôn vùng sâu, vùng xa tăng lên cả về số lượng và quy mô theo từng địa bàn. Trong ba năm qua, 54 tỉnh, thành phố đã tổ chức dược gần 1.150 đợt bán hàng về nông thôn, hơn 11.500 lượt doanh nghiệp tham gia với hơn 23.000 gian hàng, thu hút 2.288.731 lượt người địa phương tới tham quan mua sắm, mang lại doanh thu hơn 1,7 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, tại một số tỉnh biên giới, các đợt bán hàng Việt không chỉ thu hút người dân trên địa bàn mà còn lôi kéo đông đảo dân cư các nước láng giềng tới mua sắm.
Theo bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), kết quả trên là minh chứng cho sự thành công của các mô hình liên kết để phát triển tiêu thụ hàng Việt trong các kênh phân phối truyền thống và hiện đại, góp phần quan trọng trong việc chắp nối cung - cầu cho hàng Việt. Có thể kể ra đây những mô hình điển hình nhất, như liên kết để phát triển hàng Việt trong các kênh phân phối truyền thống và hiện đại; liên kết theo chuỗi sản xuất - phân phối- tiêu thụ hàng Việt; mô hình các chuỗi liên kết cung ứng vật tư nông nghiệp - chăn nuôi, trồng trọt - tiêu thụ nông sản; liên kết tiêu thụ hàng Việt bằng kênh phân phối lưu động qua các hoạt động xúc tiến thương mại...
Trong giai đoạn mà thương mại điện tử phát triển bùng nổ như hiện nay, cùng với các mô hình liên kết đưa hàng Việt vào chợ truyền thống, tiêu thụ hàng Việt thông qua chuỗi cửa hàng bình ổn hay tiêu thụ sản phẩm lẫn nhau của doanh nghiệp, việc liên kết quảng bá, tiêu thụ hàng Việt bằng thương mại điện tử đang rất thịnh hành. Theo kết quả thăm dò của Bộ Công thương, trong số 3.400 doanh nghiệp tham gia điều tra, có tới 60% chấp nhận phương thức kinh doanh B2B (Business To Business - mô hình kinh doanh thương mại điện tử trong đó giao dịch xảy ra trực tiếp giữa các doanh nghiệp với nhau. Giao dịch của các công ty với nhau thường được bắt đầu từ các giao tiếp điện tử, trong đó có giao tiếp qua các sàn giao dịch điện tử), trong đó có tới 95% doanh nghiệp chấp nhận đơn đặt hàng trực tuyến; 1/3 số doanh nghiệp có thu nhập từ thương mại điện tử chiếm từ 15% trở lên tổng thu nhập của đơn vị. Hiện giao dịch thương mại điện tử chiếm 2,5% GDP Việt Nam, tương ứng với gần 2 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt 6 tỷ USD vào năm 2015.
Không phủ nhận tính hấp dẫn của hàng Việt ngày càng tăng nhưng theo Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR), vẫn còn đó tâm lý ưa chuộng hàng ngoại nhập hơn là các sản phẩm mang thương hiệu Việt. Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch AVR, lý giải: hàng nhập khẩu thu hút được người tiêu dùng hơn hàng nội địa do sản phẩm được thông tin, quảng bá nhiều và chính xác hơn. Cùng với lợi thế về chất lượng, hàng nhập khẩu còn có chế độ khuyến mại nhiều hơn. Bên cạnh đó, những khiếu nại về sản phẩm và dịch vụ của hàng nhập khẩu được giải quyết nhanh chóng, dịch vụ bán hàng và hậu mãi chính xác. Trong khi đó, thông tin quảng bá hàng Việt Nam lại ít và không rõ ràng, minh bạch.
Ngoài ra, sự thiếu đa dạng của hàng Việt cũng như chất lượng không ổn định, không đáp ứng các tiêu chí như công bố cũng góp phần không nhỏ vào việc làm mất niềm tin của người tiêu dùng. Chính sách khuyến mãi của các doanh nghiệp lại không rõ ràng, nghiêm túc, dịch vụ do các doanh nghiệp cung cấp không đảm bảo, tính chuyên nghiệp của nhân viên bán hàng thấp... Điều này khiến cho các sản phẩm và dịch vụ của Việt Nam chưa thực sự chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Vì lẽ đó, bà Loan nhấn mạnh việc cần có một chiến lược quốc gia để tăng lòng tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt Nam.
Cũng theo bà Loan, cần phát huy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng, báo chí trong việc đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước. Chính phủ và các cơ quan chức năng cũng có vai trò quan trọng trong việc ban hành, thực thi luật pháp kiểm soát thị trường, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Các chuyên gia kinh tế khuyên rằng, cùng với việc bảo đảm giá bán hợp lý, phục vụ thân thiện và chu đáo, các nhà bán lẻ cần hiểu biết và tin tưởng vào hàng hóa, dịch vụ Việt Nam, đồng thời nắm bắt được xu hướng và tâm lý khách hàng, phản hồi tới nhà sản xuất những ý kiến góp ý của khách về chất lượng, dịch vụ sản phẩm.
VnCharm
Nguồn:
Theo Báo Công An TP. Hồ Chí Minh