Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”: Cần một chiến lược lâu dài

Sau 4 năm, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đã tạo được chỗ đứng trong người tiêu dùng. Tuy nhiên, để người tiêu dùng ở nông thôn tiếp cận hàng Việt một cách liên tục và ổn định cần có một chiến lược dài hơi.

DN cần được hỗ trợ
 
Đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa được Ban chỉ đạo cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đánh giá là một trong những hoạt động trọng tâm. Tuy nhiên, đến nay việc làm này mới chỉ dừng lại ở mức độ khuyến khích doanh nghiệp (DN) nâng cao ý thức phục vụ nhân dân, chứ chưa có sự quan tâm hỗ trợ kinh phí cho DN thực hiện.
Có thể thấy, qua hàng trăm phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa tại khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, người tiêu dùng (NTD) nông thôn đã ngày càng quen thuộc với những thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao.  
 
Với những thuận lợi trên, hàng Việt hiện chiếm khoảng 80% lượng hàng hóa được mua sắm ở khu vực nông thôn. Theo nhận định của các DN đã tham gia nhiều chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, đây là một chương trình hay, nhưng phần lớn DN tham gia chương trình đều là DN vừa và nhỏ, thiếu kinh phí để khảo sát, nghiên cứu thị trường. Mặt khác, dù có điều kiện để tiếp cận các nhà bán lẻ, các tiểu thương địa phương, nhưng do những khó khăn chung của nền kinh tế, DN chưa kết nối thường xuyên với các nhà phân phối để duy trì ổn định và liên tục các mặt hàng. Hơn nữa, vì đây là những thị trường phân tán, sức mua thấp, việc xây dựng mạng lưới phân phối tốn kém, chi phí vận chuyển cao… nên để trụ lại, đồng hành được cùng người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì rất cần một chiến lược và sự hỗ trợ từ phía ngành chức năng giúp DN xây dựng hệ thống phân phối qua các đại lý, cửa hàng ở từng địa bàn chứ không chỉ tổ chức các đợt bán hàng lưu động hay tổ chức hội chợ. 
 
Ông Nguyễn Hải Triều, Phó Giám đốc TT Khuyến công và xúc tiến thương mại Phú Yên cho biết: “Khó khăn vẫn là mức hỗ trợ. Ví dụ, mỗi phiên chợ hàng Việt về nông thôn từ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại quốc gia được hỗ trợ 70% và không quá 70 triệu đồng. Theo tôi, mức hỗ trợ này rất ít bởi DN phải bỏ ra nhiều chi phí như vận chuyển, quảng cáo, đi lại... chiếm rất nhiều thời gian trong khi mức hỗ trợ chưa hấp dẫn”.

alt

 
Số lượng DN tham gia ít cộng với số phiên chợ tổ chức thưa vắng đã khiến các phiên chợ hàng Việt vẫn chỉ dừng lại là hoạt động tuyên truyền thay đổi nhận thức của DN với thị trường nông thôn, kêu gọi người dân sử dụng hàng Việt chứ chưa thể trở thành kênh phân phối chủ lực cho hàng Việt về với nông thôn.
 
Phát triển bền vững
 
Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho rằng: “Nhìn một cách sâu xa, không nên cho rằng bán hàng Việt như một phương thuốc hay sự giải cứu mang tính bền vững cho thị trường. Về lâu dài, việc phát triển thị trường nông thôn cần tổ chức tốt hơn, bài bản hơn từ việc tổ chức nguồn hàng cung ứng, hệ thống phân phối trên địa bàn, từng loại hình trên địa bàn.... Thiết lập chuỗi bán hàng cung ứng đều đặn, thường xuyên và phát triển bền vững là chính sách cần hướng tới”.
 
Người tiêu dùng mong muốn có được những khu chợ hàng Việt tại nông thôn chứ không phải là những buổi chợ phiên cả tháng mới được tổ chức một lần như hiện nay.
 
Sau nhiều lần tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, các DN cũng thừa nhận đây thực sự là thị trường tiềm năng. Song để chiếm lĩnh được thị trường này thì DN cần có chiến lược rõ ràng trong việc liên kết mạng lưới phân phối giữa các tỉnh, thành đến các huyện vùng sâu, vùng xa... và chọn thị trường mục tiêu mà DN cần đầu tư.
 
Cùng với đó là thường xuyên nâng cao chất lượng, đổi mới về mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm để đưa hàng về nông thôn theo đúng thị hiếu của từng vùng và phù hợp với thu nhập của người tiêu dùng nông thôn.
 
Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho rằng, phải có một chương trình tập trung giải quyết vấn đề niềm tin của người tiêu dùng, của người sản xuất và của tiểu thương đối với việc mình phải chiếm lĩnh một khúc thị trường rất lớn. Trung tâm đã làm việc với sở công thương các tỉnh, các ban quản lý chợ để không phải đưa hàng tới một lần mà giải quyết luôn vấn đề của ba đối tượng này.
 
Các chuyên gia thị trường cũng cho rằng: khách hàng nông thôn đa phần là những khách hàng trung thành nhất khi họ đã tin dùng một sản phẩm nào đó của DN. Do vậy, khi DN khẳng định được thương hiệu và tạo được lòng tin đối với người dân nông thôn, chắc chắn thương hiệu sẽ tồn tại, phát triển bền vững. Chỉ khi nào làm được điều này thì các DN Việt Nam mới có thể chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với những mặt hàng ngoại nhập, hàng giá rẻ, không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nhập lậu tràn lan như hiện nay.
Nguồn: Báo Công lý
Bình luận của bạn