Coi trọng quảng bá hàng hóa sản xuất trong nước

Theo nhận định của các siêu thị, hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất (gọi tắt là hàng Việt) hiện đã có vị thế và chỗ đứng khá vững chắc trên thị trường. Các hệ thống siêu thị như Coop Mart, BigC..., hàng Việt hiện chiếm từ 70 đến 85% thị phần. Hàng Việt được người tiêu dùng tín nhiệm và lựa chọn sử dụng bởi giá rẻ, chất lượng tương đương hàng cùng chủng loại nhập khẩu. Tuy nhiên, hàng Việt hiện nay chưa được quảng bá rộng rãi để người tiêu dùng biết đến.

Tại siêu thị Coop Mart Thắng Lợi (quận Tân Bình), chị  Nguyễn Thanh Hiền ở quận 12, đang tần ngần trước quầy sữa bột dành cho trẻ em. Sau nhiều lần so sánh giữa hàng ngoại và hàng nội, cuối cùng chị quyết định chọn hộp sữa nhãn hiệu Dielac của Vinamilk. Chị cho biết: "Thành phần ghi trên nhãn thì vẫn tương đương nhau, thậm chí của Vinamilk có một số thành phần cao hơn, nhưng sữa ngoại thì giá cả lại chênh khá nhiều so với sữa nội. Tôi quyết định cho con uống sữa nội để tiết kiệm chi phí, hơn nữa thời gian qua có nhiều thông tin về sữa bị thu hồi khiến tôi cũng ngại hơn". Không chỉ lựa chọn sữa, theo chị Hiền, chị chọn siêu thị Coop Mart để mua hàng vì có nhiều hàng Việt hơn, giá cả dễ chịu hơn. "Tôi cũng biết đến Cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam và tôi cũng ngày càng có niềm tin vào sản phẩm tiêu dùng của doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, tôi thấy có quá ít thông tin về những sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước, trong khi đi đâu cũng thấy quảng cáo sản phẩm của doanh nghiệp nước ngoài, chỉ khi mua sản phẩm về sử dụng thì mới thấy sản phẩm của mình chất lượng  đâu thua gì những nhãn hiệu của nước ngoài mà giá lại rẻ"- chị Hiền nhận xét.

alt

Ðem nhận xét của chị Nguyễn Thanh Hiền trao đổi với bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Food, bà nhận xét: "Về chất lượng, mẫu mã bao bì hàng Việt Nam ngày càng được nâng cao không thua kém gì hàng ngoại nhập hoặc sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia. Nhưng sản phẩm của chúng ta bị lấn át vì các công ty đa quốc gia đầu tư khá nhiều chi phí cho các hoạt động quảng cáo, thuê quầy, kệ tại chợ, siêu thị... cho nên họ tiếp cận nhanh và thường xuyên đến người tiêu dùng, còn doanh nghiệp Việt Nam thì không đủ tiềm lực để đầu tư cho các hoạt động quảng bá này". Còn theo ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày TP Hồ Chí Minh, mặc dù không đủ sức làm công tác quảng bá như các công ty đa quốc gia, nhưng các doanh nghiệp trong nước cũng cố gắng tìm mọi cách để người tiêu dùng nhớ đến thương hiệu của mình trong khả năng tài chính ít ỏi như mở rộng bảng hiệu, làm mới cửa hàng, khuyến mãi... Tuy nhiên, đó chỉ là cố gắng "yếu ớt" trước sự cạnh tranh quyết liệt hiện nay. "Quảng cáo truyền hình cực kỳ hiệu quả nhưng chi phí quá cao. Không có doanh nghiệp da giày nào đủ lực làm quảng cáo như các công ty đa quốc gia. Ngay cả thương hiệu giày da Bitis được nhiều người tiêu dùng biết đến cũng không đủ tiền làm quảng cáo trên kênh truyền hình" - ông Khánh nói.  

Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) kiêm Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, BSA luôn hỗ trợ, xúc tiến thương mại để giúp các doanh nghiệp xây dựng, giữ vững thương hiệu và hình thành các hệ thống phân phối. Trong quá trình hỗ trợ, chúng tôi thấy một vấn đề lớn mà các doanh nghiệp Việt còn yếu là đổi mới về khoa học, công nghệ trong sản xuất và quản trị. Mới đây, chúng tôi đã tổ chức thăm dò các doanh nghiệp về nhu cầu này, bước đầu nhận được sự tham gia của 36 doanh nghiệp. Thông tin từ cuộc thăm dò  cũng đáng để suy nghĩ, bởi nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc kết nối với các đối tác hỗ trợ về đổi mới công nghệ.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Công ty một thành viên Kỹ nghệ súc sản Vissan Văn Ðức Mười cho rằng: Các doanh nghiệp trước hết phải tự thân nâng cao năng lực cạnh tranh của mình và tiếp cận thị trường bằng tiêu chí về chất lượng của sản phẩm, uy tín thương hiệu. Nhưng không có nghĩa là chỉ sản xuất tốt là bán được, mà phải có công nghệ trên thị trường để thông tin sản phẩm đến người tiêu dùng bằng kênh phân phối của mình. Ðể đưa hàng Việt đến với đông đảo người dân, Vissan đã tham gia những chương trình bình ổn giá, đưa hàng Việt về các khu chế xuất - khu công nghiệp và nông thôn. Chúng tôi nghĩ rằng đó là nghĩa vụ, sứ mệnh để góp phần bảo đảm giá thị trường. Ngược lại, chúng tôi được người tiêu dùng tín nhiệm nhiều hơn, thương hiệu của chúng tôi sẽ được phát triển nhiều hơn, doanh số tăng hơn, tuy rằng lợi nhuận sẽ không đạt được như yêu cầu. Do vậy, để người tiêu dùng ngày càng tin yêu vào sản phẩm của mình, các doanh nghiệp Việt không nên chỉ lo bảo vệ lợi nhuận của mình mà phải tham gia những hoạt động nói trên.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, thị trường nông thôn hiện nay chiếm đến 72% thị phần cho nên đó là một trong những thị trường mục tiêu cho các doanh nghiệp Việt Nam. Ðể làm được việc này, các doanh nghiệp cần phải xây dựng hệ thống phân phối, phải nghiên cứu nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng nông thôn để có những sản phẩm cho phù hợp. Bên cạnh đó, Nhà nước nên có những cơ chế, chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp tập trung hơn vào thị trường này. Ðiều này, ông Văn Ðức Mười chia sẻ: Vừa nâng cao sức cạnh tranh vừa góp phần đẩy lùi hàng gian, hàng giả. "Chúng tôi xác định thị trường nông thôn hết sức quan trọng. Thông thường các doanh nghiệp tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn chỉ xem như là một "ngày hội", nhưng chúng tôi xem đây là thị trường mục tiêu. Sau các chương trình đó, chúng tôi tạo thêm một cái kênh phân phối để người tiêu dùng biết hàng trong nước ở đâu mà còn tới mua".

Nguồn: Báo Nhân dân

Bình luận của bạn