Công đoàn ngành Công Thương với cuộc vận động'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam'
Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thời gian qua, Công đoàn ngành Công Thương không chỉ vận động đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) ưu tiên chọn mua hàng Việt mà còn khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm, nguyên vật liệu trong nước, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, góp phần bình ổn giá cả thị trường.
Khách hàng lựa chọn mua hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất.
Đồng chí Hoàng Ngọc Nghĩa, Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương cho biết: Hiện nay Công đoàn ngành đang quản lý 22 công đoàn cơ sở (CĐCS), trong đó có 2 CĐCS khối hành chính sự nghiệp và 20 CĐCS khối sản xuất, kinh doanh, với trên 9.600 đoàn viên công đoàn/hơn 11 nghìn CNVCLĐ. Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng năm Công đoàn ngành đã chủ động tham mưu, phối hợp với Sở Công Thương, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tỉnh, các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại - dịch vụ tham gia hưởng ứng cuộc vận động nhằm khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh để sản xuất ra các sản phẩm, hàng hóa Việt có chất lượng cao, nâng hạng các sản phẩm OCOP đủ tiêu chuẩn, được người tiêu dùng và thị trường chấp nhận. Cụ thể Công đoàn ngành đã phối hợp với Sở Công Thương tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quyết định, kế hoạch nhằm bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán; tổ chức Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam; triển khai thực hiện đề án và phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phối hợp với các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định phân cấp về quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn; phối hợp với các huyện tổ chức hội chợ giới thiệu hàng Việt vào dịp Tết Nguyên đán, trong đó nhiều đơn vị trực thuộc đều tham gia trưng bày sản phẩm như các Công ty Cổ phần: Dệt May Sơn Nam, May Nam Hà, May Sông Hồng...; phối hợp với các siêu thị, trung tâm thương mại tại 10 huyện, thành phố bố trí các gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP của các địa phương trong tỉnh và giới thiệu hàng Việt thông qua tổ chức các chương trình trong Tháng hành động đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Ngày quyền của người tiêu dùng và trong các dịp Tháng Công nhân, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán… Tham mưu, phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức lồng ghép nội dung tuyên truyền thực hiện cuộc vận động trong các hội nghị sơ kết, tổng kết, tổ chức biểu dương, khen thưởng cho các tổ chức CĐCS tiêu biểu tham gia hưởng ứng cuộc vận động, từ đầu năm 2024 đến nay đã tham mưu Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức gần 30 hội nghị tuyên truyền có lồng ghép nội dung cuộc vận động cho gần 4.000 lượt cán bộ CĐCS và CNVCLĐ; phối hợp với Liên đoàn Lao động các huyện, thành phố, Công đoàn ngành tổ chức được gần 160 hội nghị tuyên truyền về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” lồng ghép trong các hội nghị, tọa đàm, tập huấn cho hơn 14 nghìn lượt cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ.
Hình thức tuyên truyền cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" ngày càng phong phú, đa dạng. Ngoài tuyên truyền trên các trang thông tin điện tử của Sở Công Thương, các đơn vị thành viên Ban chỉ đạo cuộc vận động của tỉnh; trên các trang mạng xã hội facebook, zalo; treo băng rôn, khẩu hiệu tại các hội chợ, triển lãm, chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm mua sắm trên địa bàn tỉnh; các cấp Công đoàn còn tăng cường các hình thức tuyên truyền cổ động trực quan bằng băng rôn, khẩu hiệu, pa-nô, áp-phích, tranh ảnh… tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học; tích cực tuyên truyền trên trang thông tin điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh cơ sở và mạng xã hội tại các xã, phường, thị trấn. Để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng lan tỏa, nâng cao nhận thức của đoàn viên, CNVCLĐ, doanh nghiệp và xã hội, Công đoàn ngành đã tham mưu với Ban Giám đốc Sở Công Thương chỉ đạo các tổ chức CĐCS phát động trong đoàn viên, CNVCLĐ tích cực hưởng ứng cuộc vận động thông qua việc tham gia các phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đầu tư công nghệ mới vào sản xuất phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trong 5 năm qua (2018-2023), toàn ngành có 336 sáng kiến khoa học kỹ thuật hợp lý hóa sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc làm lợi trên 3 tỷ đồng tiêu biểu ở các đơn vị như Công ty Cổ phần Dây lưới thép, cơ quan Văn phòng Sở Công Thương, Công ty Cổ phần Xây lắp công nghiệp, Công ty Cổ phần May Nam Hà, Công ty Cổ phần Dệt may Sơn Nam.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Công đoàn ngành Công Thương tiếp tục tăng cường ký kết và triển khai các thỏa thuận hợp tác phúc lợi đoàn viên, tạo thói quen mua sắm và ưu tiên sử dụng hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Tiếp tục phát động phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, giảm giá thành, nâng cao nhận thức của CNVCLĐ và doanh nghiệp trong sử dụng sản phẩm, nguyên vật liệu trong nước, chú trọng công tác quảng bá, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP nhằm củng cố niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm hàng hóa Việt.