Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”: Công đoàn tích cực vào cuộc

Trao đổi kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền CBCNVC ưu tiên sử dụng hàng Việt là những nội dung cơ bản tại buổi Tọa đàm về vai trò của tổ chức công đoàn trong Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Công đoàn Công Thương (CĐCT) Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh phối hợp tổ chức tại Hà Nội vừa qua.

alt

Nhiều thương hiệu Việt đã chiếm được thị phần tại các siêu thị 

Theo ông Nguyễn Minh Tân - Phó Chủ tịch CĐCT Hải Phòng, từ năm 2009 đến nay, TP.Hải Phòng đã tổ chức 269 chuyến hàng Việt về nông thôn, 65 hội chợ triển lãm thương mại, với 260 doanh nghiệp (DN) tham gia. Các siêu thị đã tổ chức nhiều chương trình "tuần khuyến mại", "giá rẻ không ngờ"... Công ty CP thương mại quốc tế áp dụng chính sách giá rẻ với 20 sản phẩm thiết yếu, thực hiện thu mua hàng hóa tận nguồn, vận chuyển hàng tận nhà. Hiện có tới 95% hàng hóa tiêu thụ tại Big C Hải Phòng là hàng Việt. Công ty CP thương mại Minh Khai còn chỉ đạo mua sắm nhu yếu phẩm, văn phòng phẩm là hàng Việt Nam; thường xuyên đàm phán với nhà sản xuất cải tiến mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm; tổ chức xe lưu động chở hàng Việt đến vùng sâu, vùng xa phục vụ người tiêu dùng. Riêng năm 2014, Hải Phòng đã tổ chức thành công 4 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn và hải đảo tại các huyện Kiến Thụỵ, Tiên Lãng, thị trấn Cát Bà và Cát Hải, quy mô mỗi phiên trên 20 gian hàng của 10 DN.

Giai đoạn 2010 - 2014, Quảng Ninh đã tổ chức 15 hội chợ, 19 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo. Tổ chức 21 lớp tập huấn cho DN. Nhiều thương hiệu đã chiếm được thị phần trong các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng như: Rượu mơ Yên Tử, rượu ba kích Quảng Ninh, chả mực Hạ Long, miến dong Bình Liêu, nước khoáng Quang Hanh... Ông Phạm Ngọc Thủy - Phó giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh - cho biết, hiện tỉnh đã xây dựng cơ chế tạo kênh phân phối ổn định theo chuỗi, hỗ trợ cho vay vốn để đầu tư sản xuất - kinh doanh, hàng năm dành nguồn vốn khá lớn để xây dựng thương hiệu bao bì, nhãn mác, tổ chức cuộc thi thiết kế bao bì, ký thỏa thuận trao đổi cung cấp hàng hóa giữa các tỉnh, tạo kênh lưu thông, tổ chức hội chợ quảng bá sản phẩm... Năm 2015, Quảng Ninh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng thương hiệu địa phương, triển khai chương trình OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm). Vấn đề là nhà nước phải có định hướng, dự báo nhu cầu một cách bài bản, tránh tình trạng hàng nông sản sản xuất ra không biết bán cho ai, nhất là hàng sản xuất theo mô hình VietGAP.

Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh sự vào cuộc của tổ chức CĐ, các DN phải tự đổi mới, nắm bắt thị trường, nhu cầu thị hiếu từng loại đối tượng. Ví dụ: Miến dong Quảng Ninh trước đây, đóng 1 - 2 kg/gói nên bán chậm; nay chỉ đóng 1 - 2 lạng/gói, bao bì đẹp nên tiêu thụ rất nhanh. Hoặc xe đạp ngày nay không chỉ là phương tiện đi lại mà còn dùng để tập thể dục, đi du lịch. Nếu cải tiến có thể gấp lại cho gọn, chắc chắn, người tiêu dùng sẽ rất thích. Người thu nhập thấp không thể dùng hàng giá cao. Nhiều DN bị làm hàng nhái nhưng không hợp tác điều tra vì sợ lộ thông tin, người tiêu dùng sẽ tẩy chay cả hàng thật của mình, điều đó vô tình tạo cho hàng giả có chỗ đứng. Tổ chức CĐ cần có nhiều biện pháp, hình thức phối hợp với các cấp, các ngành để cuộc vận động ngày càng thiết thực và đi vào chiều sâu, góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt.

Nguồn: Báo Công Thương

Bình luận của bạn