Để “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Sáng 10/12, Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đã có buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) về kết quả thực hiện cuộc vận động năm 2013.
Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, sau 4 năm thực hiện, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã có những kết quả tích cực, tạo tiền đề triển khai hiệu quả cuộc vận động trong những năm tiếp theo. Đồng thời tạo sức cạnh tranh để đáp ứng như cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc với Bộ NN&PTNT về kết quả thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" năm 2013.
Hệ thống pháp luật về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm đã ban hành tương đối đầy đủ và đang được rà soát, đánh giá lại theo hướng đơn giản hóa, phù hợp với thông lệ quốc tế; hoạt động giám sát, kiểm tra thực hiện thường xuyên, đặc biệt hoạt động kiểm tra đang được chuyển hướng theo Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT; các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp được ban hành kịp thời đã tạo điều kiện phát triển hàng hóa nông lâm thủy sản chất lượng cao, có uy tín đối với người tiêu dùng…
Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp hình thành mô hình công tư trong tổ chức chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản, chủ động phối hợp với địa phương xây dựng các mô hình liên kết sản xuất gắn liền doanh nghiệp với nông dân. Cụ thể đó là những “cánh đồng mẫu lớn” trong sản xuất lúa ở ĐBSCL, mô hình liên kết mía đường ở các tỉnh Thanh Hóa, Tuyên Quang, mô hình vùng nuôi gắn với cơ sở chế biến cá tra, cá basa vùng ĐBSCL, mô hình liên kết sản xuất giống lúa tại Thái Bình…
Báo cáo kết quả tại hội nghị cho thấy, đến tháng 7/2013, Bộ NN&PTNT đã công bố các loại máy móc, thiết bị gồm: máy sấy nông sản, máy tách hạt bắp, máy gặt đập liên hợp, xát cà phê khô, chế biến ướt cà phê… của 49 tổ chức, cá nhân trong nước chế tạo. Hiện nay, tính riêng khu vực ĐBSCL, máy gặt đập liên hợp đã có 10.000 chiếc, đảm nhiệm khoảng 60% diện tích lúa toàn vùng; chi phí gặt máy chỉ ở mức 2,1-2,5 triệu đồng/ha, giảm so với gặt tay 500.000-900.000 đồng.
Tại Hội nghị, nhiều tham luận, ý kiến đóng góp của các đại biểu cho rằng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã phát huy tác dụng tích cực trong phát triển kinh tế đất nước. Đồng thời, nhiều ý kiến cũng chỉ rõ một số tồn tại cần khắc phục trong quá trình triển khai thực hiện cuộc vận động giá thành một số mặt hàng vẫn còn cao, số lượng hàng chưa đa dạng, chất lượng chưa hoàn toàn đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng.
Tình trạng hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trôi nổi trên thị trường diễn ra khá phổ biến, phát sinh cạnh tranh không lành mạnh với hàng hóa trong nước và ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng sản phẩm ở các cấp địa phương còn nhiều hạn chế.
Nhiều ý kiến đã chỉ rõ, để nâng cao giá trị, nâng sức cạnh tranh của hàng Việt Nam đòi hỏi cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, tiếp tục rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách và tạo hành lang pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời có biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi hàng hóa nhập lậu vào Việt Nam, tạo điều kiện cho hàng Việt Nam cạnh tranh lành mạnh trên thị trường nội địa cũng như thị trường quốc tế. Tăng cường vai trò của người đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp, địa phương… trong triển khai cuộc vận động, gương mẫu đi đầu trong mua sắm, ưu tiên sử dụng hàng Việt.
Tăng cường tiêu thụ hàng hóa trong nước
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những kết quả đạt được của Bộ NN&PTNT trong việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Để tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị: Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT tăng cường công tác thanh, kiểm tra chất lượng sản phẩm các địa phương, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng. Phát huy vai trò cơ quan chuyên trách của nhà nước gắn với tham gia của quần chúng thông qua các hội đoàn, Mặt trận. Sớm xây dựng bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện cuộc vận động, tổ chức cung ứng hàng cho người dân và có chính sách để hỗ trợ, khuyến khích hàng trong nước sản xuất tốt, chất lượng cao và tổ chức bán hàng đến tận người dân.
Bộ NN&PTNT cần kịp thời phát hiện, biểu dương và nhân rộng những mô hình tốt, cách làm hay, thiết thực đưa cuộc vận động vào cuộc sống; phối hợp với các bộ, ngành tổ chức các buổi tọa đàm, hội nghị với chủ đề “Tự hào Việt Nam” để khuyến khích, biểu dương các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện tốt cuộc vận động. Thông tin du an chung cu vincity dai mo sản phẩm mới của dự án vincity đại mỗ được thiết kế độc đáo vincity đại mỗ Hà Nội
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, Bộ NN&PTNT cần phối hợp với các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam như: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam… tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp liên kết mô hình liên kết sản xuất nông, lâm, thủy sản theo chuỗi; hướng dẫn người tiêu dùng chọn mua những sản phẩm có nhãn mác, có nguồn gốc, xuất xứ; tăng cường tiêu thụ hàng hóa trong nước, nâng cao hiệu quả cuộc vận động./.
Nguồn: VOV News