Để người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: có 59% số người được hỏi trả lời là quyết định dùng hàng Việt (trước đây tỷ lệ này chỉ là 23%). Tại các siêu thị, các chợ đầu mối và các chợ truyền thống ở thành phố, 85% - 95% hàng hóa được bày bán là hàng sản xuất trong nước với chủng loại phong phú, đa dạng.

Những kết quả bước đầu

Ngày 31-7-2009, Bộ Chính trị có Thông báo Kết luận số 264-TB/TW về tổ chức cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với 4 nhóm nhiệm vụ cơ bản: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam; rà soát, bổ sung pháp luật, cơ chế khuyến khích tiêu dùng trong nước mà không trái với quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); hỗ trợ doanh nghiệp trong nước sản xuất và tiêu thụ; chấn chỉnh hoạt động quản lý thị trường. Tiếp đó, ban chỉ đạo cuộc vận động đã được thành lập ở hai cấp trung ương và các tỉnh, thành phố. Nhiều bộ, ngành và địa phương đã phát động phong trào hưởng ứng kịp thời.

Năm đầu tiên thực hiện cuộc vận động, những kết quả đạt được đã cho thấy sức lan tỏa sâu rộng và mạnh mẽ của hàng Việt trong đời sống hằng ngày. Nhiều cuộc điều tra, phỏng vấn người tiêu dùng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công Thương, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Hãng Nghiên cứu thị trường Nielsel... đã ghi nhận những bước chuyển biến đáng kể trong tâm thức người tiêu dùng nước ta. Trước khi có cuộc vận động, theo kết quả điều tra của Tập đoàn Grey Group (Hoa Kỳ), có đến 77% người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng hàng hóa nước ngoài, 23% tin dùng các sản phẩm trong nước. Một năm sau cuộc vận động, số liệu điều tra của Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy: có đến 59% người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam; 38% khuyên người thân nên mua hàng Việt Nam; 36% trước đây có thói quen mua hàng nước ngoài, nay đã dừng mua để thay thế bằng hàng Việt Nam.

alt

Cũng trong thời gian này, nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm về chủ đề nói trên được tổ chức ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, với nhiều nội dung thiết thực xung quanh tam giác thị trường: nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng. Đồng thời tôn vinh các doanh nghiệp sản xuất, phân phối trong nước được người tiêu dùng ưa chuộng. Điểm nhấn của các chương trình đó là cổ vũ lòng yêu nước, tinh thần tự lực tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam; đồng thời, nêu cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, thực hiện các cam kết bảo vệ người tiêu dùng; cũng như giúp các cơ quan chức năng và người tiêu dùng làm rõ và định hình cơ bản khái niệm “hàng Việt Nam” dựa trên tiêu chuẩn thực tiễn, đó là những sản phẩm chứa tỷ trọng đáng kể các giá trị Việt Nam, bao gồm nguyên liệu, công nghệ, thiết bị, nhân công và các giá trị mềm, như thiết kế, thương hiệu…

Nếu như trong năm thứ nhất, thành tựu nổi bật của cuộc vận động chủ yếu trên bình diện chuyển đổi nhận thức, thì bước sang năm thứ hai, những kết quả đã có thể lượng hóa được. Tại hầu hết các siêu thị lớn nhất, như Metro, Big C, Intimex, Hapro, Coop-mart, Satra, Fivimart... tỷ lệ hàng Việt Nam hiện chiếm từ 80% - 90%. Hàng loạt thương hiệu Việt đã được xây dựng, tín nhiệm với người tiêu dùng, như May 10, Việt Tiến, Vinamilk,  Kinh Đô, Casumina, Rạng Đông, Fahasa, Vissan, Vĩnh Tiến, Thiên Long…Theo số liệu của Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, trong 2 năm 2010 - 2011, toàn khối có trên 3.000 công trình, sản phẩm mới bằng sức lao động, kỹ thuật và nguyên liệu, thiết bị, máy móc của Việt Nam. Nhờ vậy đã tiết kiệm được hàng nghìn tỉ đồng so với thuê chuyên gia và mua nguyên liệu, công nghệ nước ngoài. Điểm nổi bật trong cuộc vận động là các doanh nghiệp thuộc khối tăng cường liên kết, sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nhau giữa các tập đoàn, tổng công ty. Tính đến nay đã có 20/32 đơn vị trong khối thực hiện liên doanh, liên kết.

Qua hơn hai năm phát động, có thể khẳng định, hàng Việt đã có chỗ đứng nhất định trong lòng người tiêu dùng trong nước. Theo một khảo sát mới đây, nhiều nhóm hàng hóa sản xuất trong nước được người Việt Nam ưa chuộng hơn so với những năm trước. Cụ thể: 80% số người tiêu dùng chọn sản phẩm dệt may, quần áo, giày dép; 70% chọn thực phẩm rau quả; 49% chọn các sản phẩm đồ gia dụng; 38% chọn vật liệu xây dựng, đồ nội thất; 34% chọn đồ chơi, đồ dùng học tập dành cho trẻ em… Người tiêu dùng trong nước nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi đối với hàng hóa sản xuất trong nước; từ đó đã thay đổi thái độ, hành vi ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng hóa thương hiệu Việt. Không chỉ người tiêu dùng trong nước, mà ngay cả Việt kiều khi về nước cũng ưa chuộng sản phẩm dệt may, da giày, thực phẩm rau quả hay đồ gia dụng được sản xuất trong nước.

Thông qua cuộc vận động, các cơ quan quản lý đã kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu của các cơ quan, tổ chức sử dụng nguồn ngân sách nhà nước (NSNN); triển khai các hoạt động hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ; nghiên cứu chính sách hỗ trợ xây dựng văn hóa doanh nghiệp, cải tiến công nghệ, kỹ năng kinh doanh; dự báo những mặt hàng Việt Nam có thể sản xuất được trong thời gian tới nhằm tối đa hóa kế hoạch sử dụng nguyên vật liệu, trang thiết bị, công nghệ và lao động trong nước; đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách và pháp luật về ưu đãi, hỗ trợ sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước để thay thế các trợ cấp phải loại bỏ theo cam kết gia nhập WTO. Các doanh nghiệp đã thực sự đầu tư nghiêm túc vào chất lượng, cải tiến kỹ thuật để giảm giá thành, chú trọng  mẫu mã, quảng bá thương hiệu và quan tâm hơn đến chăm sóc sau bán hàng. Kết quả lớn nhất của cuộc vận động là nhận thức của toàn Đảng, toàn dân về động lực và văn hóa tiêu dùng có thể đưa kinh tế đất nước đi lên, phát triển bền vững.

Mạnh ở siêu thị, yếu ở chợ

Những tác động tích cực của cuộc vận động đến hình ảnh hàng hóa Việt Nam trong hơn hai năm qua khá rõ ràng và giàu sức thuyết phục. Tuy nhiên, từ chuyển biến nhận thức đến thay đổi hành vi tiêu dùng là một chặng đường dài, đòi hỏi phải liên tục được chăm lo vun đắp. Nhìn tổng thể, “bản đồ” tiêu dùng nước ta có sự phân chia khá mạch lạc. Theo đánh giá của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), 20% giá trị hàng hóa lưu thông qua hệ thống thương mại hiện đại với gần 600 siêu thị và trung tâm thương mại, do hàng Việt chiếm lĩnh, với khoảng từ 80% trở lên, cá biệt như Saigon Coop-mart lên trên 95%. Lưu thông qua các chợ truyền thống khoảng 40%, phần lớn do hàng Trung Quốc giá rẻ chiếm áp đảo; hàng Việt chỉ chiếm từ 10% đến 50% tùy từng ngành hàng. Đáng tiếc là hàng Việt chưa thâm nhập vào được các chợ đầu mối lớn có khả năng “phát luồng hàng” như chợ Đồng Xuân (Hà Nội), chợ Rồng (Nam Định), chợ Sắt (Hải Phòng), chợ Đông Ba (Huế), chợ Hàn (Đà Nẵng), chợ Bến Thành (TP. Hồ Chí Minh). 40% giá trị hàng hóa còn lại, lưu thông qua 2 triệu hộ kinh doanh bán lẻ, là địa bàn giằng co giữa hàng hóa Việt và hàng nhập ngoại.

Đây được coi là một nghịch lý khó chấp nhận. Tháng 8-2011, Bộ Công Thương cùng với Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề: “Vì sao hàng Việt chưa được ưu tiên tại chợ truyền thống?” với tiểu thương chợ Đồng Xuân (Hà Nội), nơi “phát luồng hàng” cho các tỉnh phía Bắc và là nơi hàng Trung Quốc chiếm tới 90% đối với ngành hàng lưu niệm, quà tặng; 70% hàng vải, may mặc và đồ gia dụng. Thực tế, giá rẻ không phải là yếu tố cơ bản khiến hàng Trung Quốc thâm nhập chợ, bởi người tiêu dùng trong nước đã thấu hiểu quy luật “tiền nào của đấy”. Điểm mấu chốt là thương nhân Trung Quốc cho tiểu thương mua theo dạng gối đầu (ứng hàng trước, thu tiền sau), thậm chí cho đổi trả nếu bán không hết. Trong khi đó, thương nhân Việt lo ngại rủi ro nên chủ yếu vẫn áp dụng hình thức “mua đứt bán đoạn”. Vì lo ngại này, nhiều thương nhân Việt chấp nhận bỏ trống mạng lưới chợ, sẵn sàng đầu tư vài chục tỉ đồng để tìm chỗ đứng tại các siêu thị, hoặc mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Như vậy, không phải người tiêu dùng lựa chọn hàng ngoại nhập mà chính phương thức quản lý phân phối của thương nhân Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội tiếp cận với người tiêu dùng trong nước. Do tính chất “phát luồng hàng”, nên khi thương nhân nước ngoài “nắm” được các chợ đầu mối thì hàng hóa của họ cũng chiếm lĩnh phần lớn các chợ truyền thống ở thị trường nông thôn nước ta.

Ông Tolce Drah - chuyên gia nghiên cứu thị trường thuộc Trung tâm Thương mại châu Âu, cho rằng, thị phần bán lẻ ở nông thôn Việt Nam rất dồi dào bởi khu vực này đang chiếm tới 60% GDP, cùng với số dân gần 64 triệu người, và số người tiêu dùng lớn gấp 3 lần khu vực đô thị. Tiềm năng là như vậy, nhưng theo khảo sát của BSA, doanh số của các doanh nghiệp trong nước có bán hàng ở thị trường nông thôn chỉ chiếm khoảng 10% - 15% tổng doanh thu. Chỉ có khoảng 10 - 15 doanh nghiệp đang được xem là thành công, có doanh số khoảng 20% - 25%. Chính vì sự thiếu hụt này, các bộ, ngành, địa phương và các tổng công ty có sáng kiến đưa hàng Việt về nông thôn. Mới đây, theo tổng kết các chương trình của riêng BSA, đã có 66 phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” tại 23 tỉnh, thành, doanh thu đạt trên 57 tỉ đồng. Cùng với các phiên chợ, năm 2011, BSA đã mở 57 lớp tập huấn kỹ năng  bán hàng cho gần 4.500 tiểu thương, phát 162.000 cẩm nang cho người bán lẻ.

Ở các địa phương trong cả nước, trung bình mỗi tháng có 1 đợt đưa hàng Việt về nông thôn. Đặc biệt, tại các tỉnh biên giới, hàng Việt không chỉ thu hút được người dân địa phương mà còn hấp dẫn cư dân các nước láng giềng, như Lào, Cam-pu-chia, Trung Quốc. Các sở công thương cũng rầm rộ triển khai đưa hàng về nông thôn, khu công nghiệp và khu đô thị. Theo thống kê chưa đầy đủ, các đợt bán hàng này đã thu hút trên 10 triệu lượt khách tham quan, mua sắm, doanh thu bán hàng trên 3.000 tỉ đồng. Bộ Công Thương triển khai một chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, nhằm vào thị trường trong nước. Năm 2011, chương trình này hỗ trợ các hội chợ - triển lãm nhằm khai thác thị trường trong nước và kết quả rất tích cực. Cụ thể, tại Hội chợ Thương mại quốc tế Việt - Trung 2011, có hơn 700 gian hàng, 19 hợp đồng bán hàng với tổng giá trị 201 triệu USD, Hội chợ Thương mại quốc tế miền Trung - Tây Nguyên 2011 ký hợp đồng bán hàng được 21 triệu USD và 55 tỉ đồng…

Tuy nhiên, nhìn về thực chất, các chương trình, sáng kiến nêu trên, dù có giúp doanh nghiệp trong nước và người tiêu dùng tiếp xúc nhau dễ dàng hơn, tạo cơ hội chứng tỏ chất lượng của hàng Việt, song chưa thay đổi được căn bản vị trí của hàng hóa Việt tại chợ truyền thống và khu vực nông thôn. Vấn đề gay gắt nhất của hàng Việt ở khu vực thị trường này hiện chưa phải là chất lượng hay giá thành mà chủ yếu là phương thức phân phối và quản trị linh hoạt với từng loại thị trường. Thương nhân Việt Nam đã rất bài bản khi đưa hàng vào siêu thị, showroom, song do chưa làm chủ được kỹ năng quản trị rủi ro nên chưa mạnh dạn ở một thị trường sơ khai, như chợ truyền thống và khu vực nông thôn. Thực tế người tiêu dùng chưa đến được với hàng Việt Nam giá rẻ, chất lượng cao.

Nâng lên tầm mức mới

Hai năm chưa phải là một chặng đường dài, song những kết quả và hạn chế khi thực hiện cuộc vận động đã bộc lộ khá rõ. Các bộ, ngành và địa phương đã có nhiều sáng kiến giúp đỡ doanh nghiệp và hàng hóa Việt. Các hoạt động được tổ chức rộng khắp trên các lĩnh vực: thông tin tuyên truyền; rà soát, ban hành cơ chế hỗ trợ sản xuất, định hướng tiêu dùng; kiểm soát chặt chẽ chi tiêu của đơn vị sử dụng NSNN; đổi mới công tác quản lý, chấn chỉnh các hoạt động quản lý thị trường. Qua hai năm, cuộc vận động đã có tác động tích cực cụ thể đến chuyển biến nhận thức và hành vi tiêu dùng, theo hướng dành ưu tiên cho hàng Việt, và có thể nói, việc triển khai cuộc vận động rất đúng lúc, kịp thời trong điều kiện cả nước nỗ lực thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

alt

Bên cạnh đó, quá trình tổ chức cuộc vận động trong hai năm qua vẫn còn một số tồn tại. Đáng chú ý là, công tác phối hợp, chỉ đạo giữa các bộ, ngành với địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp còn chưa đồng bộ; hoạt động của các đơn vị còn mang tính riêng lẻ, chưa phối hợp được thành các chương trình lớn, mang tính lan tỏa cao, hiệu ứng xã hội lớn. Các hoạt động quảng bá cho thương hiệu Việt Nam, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam chưa liên tục; việc kiểm tra, kiểm soát thị trường dù có nhiều cố gắng, nhưng tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn tồn tại khiến cho lòng tin của người tiêu dùng bị giảm sút, từ đó nảy sinh e ngại với hàng hóa Việt. Ông Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho rằng: “Trong cuộc vận động này, không ít các đơn vị triển khai còn mang tính hình thức, chưa tạo được sự tham gia sâu rộng của các tổ chức, cá nhân; chưa kết nối được giữa sản xuất, phân phối và tiêu dùng. Nhiều việc làm còn mang tính hội nghị, chưa đưa ra kế hoạch cụ thể”.

Về phía doanh nghiệp, sự liên kết trong tiêu thụ hàng hóa, nguyên liệu của nhau còn lỏng lẻo, đơn điệu, thiếu tính chuyên nghiệp, thường mang tâm lý dễ làm, khó bỏ. Các doanh nghiệp trung ương, như VNPT, PVN, Vinatex, EVN, TKV, các ngân hàng... đều có năng lực lớn, có sản phẩm chủ lực để cùng nhau tạo ra thị trường nội địa có quy mô lớn, nhưng chưa làm được vì quá trình thanh toán quá lâu. Chẳng hạn, Vinatex sản xuất ra vải địa kỹ thuật dành cho các công trình xây dựng giao thông thủy lợi. Nhu cầu trong nước có, song tập đoàn phải xuất khẩu 100% sản phẩm vì nếu bán hàng trong nước, thời gian thanh toán qua ngân hàng phải mất 1 - 2 năm, trong khi doanh nghiệp giao thông thủy lợi trong nước mỗi năm phải bỏ ra hàng trăm triệu USD nhập khẩu mặt hàng này.

Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện kế hoạch tăng cường triển khai thực hiện, đưa cuộc vận động lên một tầm mức mới. Các bộ, ngành cần phối hợp với các sở theo ngành dọc, với công đoàn ngành và Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam xây dựng kế hoạch phát động chương trình Chuỗi ngày vàng của ngành mình với quy mô lớn nhằm nâng cao ý thức và định hướng tiêu dùng trong toàn ngành. Bên cạnh đó, phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tổ chức những cuộc hội thảo mang chủ đề Kinh nghiệm phân phối hàng Việt tại chợ truyền thống hoặc khu vực nông thôn. Đồng thời, Nhà nước cần tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm; có quyết sách về định hướng thị trường, công nghệ, công nghiệp phụ trợ, nguyên liệu đầu vào ổn định. Nhà nước cũng cần giúp đỡ các doanh nghiệp phân phối phát triển thương hiệu Việt, đào tạo nhân lực quản trị kể cả trung và cao cấp. Đối với doanh nghiệp, cần nỗ lực hơn nữa để thuyết phục người tiêu dùng tin tưởng và ủng hộ hàng Việt. Thực tế cho thấy, người Việt Nam đã và đang tiếp tục ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam nếu sản phẩm đó có sức cạnh tranh về giá cả, chất lượng, dịch vụ khách hàng và mạng lưới bán hàng rộng khắp./.

VnCharm

Nguồn tham khảo

http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/kinh-te-thi-truong-XHCN/2012/15906/De-nguoi-Viet-Nam-uu-tien-dung-hang-Viet-Nam.aspx

Bình luận của bạn